"Thể chế là mốc son của nhiệm kỳ 2016-2020"
21/01/2021 03:17 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
"Thể chế là kết quả nổi bật nhất của nhiệm kỳ 2016-2021. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý cho toàn ngành hoạt động, đáp ứng sự phát triển đặc thù và sát sườn của ngành với đời sống người dân…" – Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng thể chế của Ngành trong giai đoạn 2016-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2026 diễn ra sáng 21/1 tại Hà nội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Xây dựng thể chế là mốc son của nhiệm kỳ 2016-2020…". (Ảnh: Giáp Tống)
Theo Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2016-2020, chỉ tính riêng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ đã chủ trì soạn thảo, ban hành và trình ban hành một khối lượng văn bản lớn, gồm: 3 luật, 1 pháp lệnh, 1 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 40 nghị định; 7 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 132 thông tư.
"Những công việc về xây dựng thể chế của Bộ đã góp phần cụ thể hóa một phần chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, làm cho người dân thụ hưởng tốt nhất thành tựu của sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế. Qua đó, thực hiện tốt Điều 34 của Hiến pháp về người dân có quyền hưởng thụ chính sách an sinh xã hội" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Dự án về Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) và Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) là những nhiệm vụ xây dựng thế chế lớn đã được Bộ LĐ-TB&XH thực hiện thành công.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc xây dựng dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) là quá trình đấu tranh về tư tưởng, thực hiện chính sách: "Tất cả người có công với cách mạng và thân nhân đều được hưởng chính sách theo quy định".
Riêng việc xác định điều kiện tiêu chuẩn xác định liệt sĩ và thương binh đòi hỏi sự cân nhắc về từ ngữ cũng như ý nghĩa sâu xa của vấn đề.
Về dự thảo Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sửa đổi cũng là câu chuyện khác biệt của quan điểm từ nhiều đại biểu quốc hội.
"Đơn cử như có đại biểu Quốc hội hỏi đánh giá của tôi về kết quả 18.000 lao động ở 4 tỉnh miền Trung đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sau khi xảy ra sự cố Formosa. Tôi cho rằng đây chỉ là việc giải quyết mang tính chất tình thế, tạm thời. Còn giải pháp lâu dài vẫn phải là ổn định đời sống cho người dân với những chiến lược biển, trong đó có đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Việc thông qua các Công ước 98 và 105 liên quan tới lao động đã mở đường cho Việt Nam trong đàm phán việc gia nhập các Hiệp định thương mại quốc tế như EVFTA và CPTTP.
Bộ trưởng chia sẻ: "Trong xây dựng chính sách, việc ý kiến khác biệt giữa các bên là điều dễ nhận thấy. Nhưng đó chỉ là sự khác biệt chỉ về cách thể hiện còn mục tiêu của các bên đều giống nhau. Chúng ta kiên định mục tiêu nhưng hài hòa giải pháp để đạt được kết quả cuối cùng..."./.
PV