"Chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19".
09/12/2020 01:39 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là tiêu đề bài tham luận "Chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19"do ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ, thẻ, BHXH Việt Nam trình bày Trong khuôn khổ Hội nghị ASSA 37 được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu Việt Nam sáng ngày 9/12/2020.
Phiên toàn thể Hội nghị ASSA 37 - Điểm cầu Việt Nam
Tham luận nêu, nằm trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có diện tích 331.699 km2 với số dân trên 96 triệu người, trong đó lực lượng trong độ tuổi lao động là 49,34 triệu người; GDP bình quân đầu người trên 2.700 USD/người. Số người tham gia BHXH hiện 15,89 triệu người chiếm 32,2% lực lượng lao động; số người tham gia BHYT là 87,05 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,1% dân số.
Là cơ quan trực thuộc Chính phủ, BHXH Việt Nam có chức năng tổ chức thực hiện chính sách là thu, quản lý quỹ và chỉ trả các chế BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Thực hiện 7/9 nội dung về an sinh xã hội, bao gồm: Chế độ ốm đau; Chế độ thai sản; Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Chế độ hưu trí; Chế độ tử tuất; Chế độ khám, chữa bệnh BHYT; Trợ cấp thất nghiệp.
Theo đó, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến kinh tế-xã hội tất cả các quốc gia, và hiện vẫn còn diễn biến phức tạp. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế- xã hội. Cụ thể, GDP quý I/2020 tăng 3,82%, là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Phát triển doanh nghiệp chịu tác động lớn, hầu hết doanh nghiệp đều thận trọng trong việc đầu tư thêm vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm chững lại. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn tăng mạnh so với cùng kỳ (tăng 33,6%).
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng đầu năm đạt 2,12%; năm 2020 ước đạt 2-3%, thấp hơn so với kế hoạch 6,8% và so với mức tăng của năm 2019 là 7,02%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị và tỷ lệ lao động qua đào tạo không đạt kế hoạch đề ra. Trong đó, chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị ước thực hiện 4,39% so với mục tiêu là dưới 4%...
Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thực hiện an sinh xã hội nói chung, chính sách BHXH, BHYT, BHTN nói riêng. Nguy cơ tăng nợ BHXH tăng do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn. Giảm lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp do lao động mất việc làm, số doanh nghiệp thành lập mới không tăng. Gây áp lực đến mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện do phải thực hiện giãn cách xã hội, khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động… Nếu như tháng 12/2019 số người tham gia BHXH bắt buộc là 15.200.000 người; thì tháng 5/2020 con số này chỉ còn 14.404.000 người, giảm 796 nghìn người; số nợ BHXH, BHYT tăng lên trên 5% so với kế hoạch thu vào tháng 4/2020. Điểm sáng duy nhất là BHXH tự nguyện đến tháng 5/2020 có tăng trưởng 26.730 người tham gia. Nếu như tháng 4/2020, có 538 doanh nghiệp, đơn vị, tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với 54.873 lao động với số tiền là 221 tỷ đồng thì đến tháng 5, có 1.158 doanh nghiệp, đơn vị, tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với 105.929 lao động với số tiền là 391 tỷ đồng; xác nhận danh sách lao động tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ không lương là 79.936 lao động; số người lao động ngừng việc là 111 người; lũy kế đến tháng 11 có 634 doanh nghiệp, đơn vị, tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với 74.339 lao động với số tiền là 325 tỷ đồng; xác nhận danh sách người lao động tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ không lương là 168.163 lao động; số người lao động ngừng việc là 585 người.
Ngay khi có dịch bệnh bùng phát, Chính phủ đã có những giải pháp cụ thể, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, cùng sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân. Chính phủ khởi động mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Thủ tướng ban hành Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 về việc công bố dịch Covid-19. Thời gian xảy ra dịch: Từ ngày 23/1/2020 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra). Sớm công bố dịch tạo điều kiện để sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch, duy trì phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội. Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng triển khai nhiều gói hỗ trợ và biện pháp thiết thực để doanh nghiệp tăng sức đề kháng, từng bước bình thường hóa hoặc điều chỉnh các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020. Trong đó, người lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người nghỉ việc không hưởng lương (800.000 đồng/người/tháng). Người sử dụng lao động được vay để trả một phần tiền lương cho người lao động. Hỗ trợ Hộ kinh doanh cá thể phải tạm ngừng kinh doanh (1.000.000đồng/hộ/tháng). Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc làm (1.000.000 đồng/người/tháng). Người có công với cách mạng (hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng). Đối tượng bảo trợ xã hội (được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng). Hộ nghèo, hộ cận nghèo (được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng). Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng. Tổng giá trị gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng (khoảng 2,68 tỷ USD). Các chính sách trên tiếp tục được duy trì tại Nghị định số 154/2020/NQ-CP ngày 19/10/2020 với các điều kiện thụ hưởng được giảm bớt, nới lỏng hơn.
Chính phủ, đã kịp thời ban hành các chỉ đạo, chính sách; đặt nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng hàng đầu là phòng, chống, kiểm soát dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân; ổn định xã hội, giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế, tạo điều kiện duy trì và sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm tận dụng cơ hội sau khi hết dịch để phát triển nhanh, bền vững. Thực hiện đồng thời nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng, bị ảnh hưởng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; Nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra.
Ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ, thẻ, BHXH Việt Nam trình bày tham luận tại Hội nghị
Về phía BHXH Việt Nam đã chủ động bám sát tình hình, chỉ đạo của Chính phủ. Nghiêm túc chấp hành, chủ động, kịp thời tổ chức thực hiện theo đúng tinh thần, chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch. Báo cáo kịp thời, thường xuyên tình hình và tham gia với Chính phủ, các Bộ ngành về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ và đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ổn định cuộc sống người lao động, đảm bảo an sinh xã hội; xây dựng các kịch bản, theo dõi sát tình hình thực tiễn để có các giải pháp phù hợp. Tập trung phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia BHYT theo hộ gia đình. Theo dõi thường xuyên tình hình các đơn vị, triển khai các hỗ trợ cần thiết; hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký đóng BHXH kịp thời khi người lao động quay trở lại làm việc… Tổ chức làm việc trực tuyến, các hội nghị trực tuyến với các địa phương. Tăng cường ứng dụng CNTT, cải cách TTHC, giao dịch điện tử; duy trì đôn đốc, hướng dẫn, thông báo, thông tin đến đơn vị, doanh nghiệp, người tham gia BHXH, BHYT thông qua dịch vụ bưu chính, phương tiện điện tử, điện thoại, mạng xã hội thay. Truyên truyền vận động người dân tham gia BHXH, BHYT tự nguyện qua phương tiện truyền thông điện tử, ứng dụng mạng xã hội (Zalo, facebook,...). Ứng dụng CNTT trong KCB: đặt lịch KCB qua điện thoại, qua Website, quản lý, tư vấn người bệnh điều trị ngoại trú qua KCB từ xa… Cải cách TTHC trong công tác thu, giải quyết chế độ BHXH, KCB BHYT, đẩy mạnh thanh toán thông qua ngân hàng điện tử, các phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt…
Kết quả, tính đến hết ngày 30/11/2020, số người tham gia BHXH khoảng 15,886 triệu người, đạt tỷ lệ 32,3% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; trong đó: BHXH bắt buộc là 14,940 triệu người; BHXH tự nguyện là trên 970 nghìn người (tăng 418 nghìn người so với năm 2019); số người tham gia BHYT là 86.888 nghìn người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,1% dân số.
Tính đến tháng 11/2020, toàn quốc đã giải quyết cho trên 716.000 người hưởng BHXH một lần; trên 6.664.000 lượt hưởng chế độ ốm đau; trên 1.662.000 lượt hưởng chế độ thai sản. Trong 4 tháng đầu năm 2020, giai đoạn Việt Nam công bố dịch trên cả nước, có giai đoạn phải thực hiện giãn cách xã hội toàn quốc, quỹ BHYT vẫn đảm bảo đã chi trả cho 45 triệu lượt KCB, bằng khoảng 80% số lượt KCB của 4 tháng đầu năm 2019. Trong 11 tháng của năm 2020, quỹ BHYT cũng đã đảm bảo chi trả chi phí KCB cho hơn 151 triệu lượt KCB của người tham gia BHYT, bằng 90% so với cùng kì của năm 2019.
Như vậy, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng nhu cầu KCB, một trong những chính sách an sinh xã hội cơ bản của người dân Việt Nam vẫn được đảm bảo giải quyết đầy đủ, kịp thời.
Cùng với đó, giữa tháng 11/2020, BHXH Việt Nam công bố ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”, là một sản phẩm thuộc hệ sinh thái chuyển đổi số, trên thiết bị di động, phục vụ người dân, kết quả quá trình và quyết tâm xây dựng, phát triển nền tảng công nghệ số trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Có thể thấy, đồng hành cùng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, BHXH Việt Nam đã tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bão lũ. Thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục tích cực phối hợp và hỗ trợ tốt nhất để thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN đến với công đồng doanh nghiệp và người dân./.