BHXH tỉnh Đắk Lắk: Khẳng định vị thế quan trọng đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn
26/11/2020 07:56 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong bối cảnh 10 tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19, bạch hầu, thiên tai, mưa bão, lũ lụt khu vực miền Trung và Tây Nguyên diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, xã hội. BHXH tỉnh Đắk Lắk đã bám sát sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương giao nhiệm vụ cho BHXH các huyện, thị xã, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao…
Tính đến hết tháng 10, số người tham gia BHXH là 112.955 người, trong đó: BHXH bắt buộc là 100.791 người, đạt 94,37% kế hoạch BHXH Việt Nam giao; BHXH tự nguyện là 11.984 người, tăng 5.593 cùng kỳ năm 2019, đạt 63,16% kế hoạch BHXH Việt Nam giao; BH thất nghiệp là 88.834 người, tăng 187 cùng kỳ năm 2019, đạt 93,50% kế hoạch BHXH Việt Nam giao; BHYT là 1.649.766 người, tăng 25.302 người cùng kỳ năm 2019, đạt tỷ lệ bao phủ 88,93% dân số.
Số thu toàn tỉnh trong 10 tháng đầu năm được 2.651,340 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tương đương tiến độ thu cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, trong 10 tháng đầu năm, BHXH tỉnh Đắk Lắk Giải quyết cho 1.944 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết 10.604 lượt người hưởng trợ cấp 1 lần; hưởng chế độ ốm đau 4.797 lượt người; hưởng chế độ thai sản 5.324 lượt người; hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe 2.192 lượt người.
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về kết quả thực thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp 10 tháng đầu năm và kết quả thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ông Phạm Hùng Sơn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Để đạt được những kết quả trên, trong 10 tháng đầu năm, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT. Trong đó, BHXH tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức 2 đợt Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân; Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Sau các lễ ra quân, BHYT hộ gia đình đã phát triển được 1.020 người; BHXH tự nguyện: 700 người”.
Toàn cảnh buổi họp báo
Ngoài ra, BHXH tỉnh còn đôn đốc BHXH các huyện, thị xã tích cực phối hợp với cơ quan Bưu điện rà soát, khai thác, phát triển số người tham gia BHXH thông qua dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp và thu BHXH, BHYT tự đóng qua Đại lý thu; ký hợp đồng thu BHXH tự nguyện, BHYT với Viettel Đắk Lắk; thành lập Tổ kiểm soát thực hiện quản lý cơ sở dữ liệu hộ gia đình và mã số của người tham gia BHXH, BHYT…
Đặc biệt, trong thời gian dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp trên địa bàn, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời KCB hoặc chuyển tuyến KCB BHYT khi nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2. Đồng thời, thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở KCB…
BHXH tỉnh còn phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 7.518 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp; 151 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề… qua đó góp phần ổn định đời sống của người lao động bị thất nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…
Bộ phận một cửa BHXH tỉnh Đắk Lắk
Tiếp tục khẳng định vị thế đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn
Một trong hoạt động được BHXH tỉnh Đắk Lắk tập trung thực hiện là phối hợp với Bưu điện tỉnh đẩy mạnh công tác phát triển BHXH tự nguyện. Trao đổi về công tác phối hợp giữa hai đơn vị, ông Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Đắk Lắk cho biết, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhận thức của nhiều người dân, lao động tự do đã thay đổi và họ bắt đầu tìm hiểu, tham gia BHXH tự nguyện. Tính đến cuối tháng 10.2020, toàn tỉnh phát triển được 11.984 người. Trong đó, những huyện đạt tỉ lệ cao là M’Drắk 86,59% (phát triển 678 người), Buôn Đôn 83,45% (phát triển 605 người), Cư M’gar đạt 76,25% (phát triển 1.419 người), Krông Pắc đạt trên 63% (phát triển 1.249 người)…
“Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo chỉ tiêu giao ở các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều trở ngại. Điều này dẫn tới những thách thức không nhỏ trong bảo đảm các mục tiêu về phát triển đối tượng BHXH tự nguyện trong năm 2020. Để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2020, BHXH tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã và đang phối hợp với ngành Bưu điện tổ chức tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH tự nguyện tại các xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, cử cán bộ xuống tận nơi tiếp cận với những đối tượng là nông dân và lao động phi chính thức, vận động họ thay đổi nhận thức, chủ động tham gia BHXH tự nguyện để đảm bảo an sinh, ổn định cuộc sống khi về già” - ông Tuấn nói.
Một buổi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến người dân
Để công tác phát triển BHXH tự nguyện đạt kết quả tốt, trong thời gian tới, hai đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các đợt ra quân tuyên truyền định kỳ trên địa bàn toàn tỉnh vào các ngày cuối tuần nhằm mục đích tư vấn cho mỗi người dân biết rõ về chính sách BHXH; tổ chức tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện bằng nhiều hình thức như trực tiếp tư vấn, qua đài phát thanh địa phương, loa truyền thông của từng đơn vị tại các điểm giao dịch, để người dân nghe và hiểu trước khi tham gia hội nghị; mở rộng mô hình cấp sổ tại chỗ cho đối tượng để tăng độ tin cậy cho người dân.
Từ những kết quả đã đạt được, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã đúc rút kinh nghiệm để đề ra phương hướng hoạt động cho 2 tháng cuối năm 2020. Cụ thể, cần phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ như:
Tích cực tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, phối hợp với các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh phát triển đối tượng tham gia; thu đúng, đủ, kịp thời, giảm nợ đọng; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động; ngăn ngừa hành vi trục lợi, lạm dụng quỹ BHXH, BHYT. Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu về phát triển đối tượng và các chỉ tiêu kế hoạch BHXH Việt Nam giao năm 2020.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc BHXH các huyện, thị xã trong việc triển khai thực hiện kế hoạch, dự toán thu, chi, phát triển đối tượng được giao; tập trung thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chậm đóng; vượt trần, vượt dự toán chi KCB BHYT hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.
Phối hợp với cơ quan Bưu điện quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng, đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ. Quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp thất nghiệp; tăng cường, chủ động kiểm soát chi phí KCB BHYT tại các cơ sở KCB, đảm bảo thực hiện đúng dự toán Chính phủ giao.
Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, áp dụng có hiệu quả các phần mềm nghiệp vụ của Ngành; rà soát xử lý dữ liệu thẻ BHYT cấp trùng; hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số BHXH cho người tham gia; triển khai hiệu quả hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; đẩy mạnh giao dịch điện tử; quản lý, sử dụng văn bản điện tử trong ngành BHXH và trên trục liên thông của Chính phủ.
PV