Khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Dấu mốc quan trọng
20/10/2020 04:46 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 20/10, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Đây là Kỳ họp quan trọng gần cuối nhiệm kỳ của Quốc hội trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Quốc hội sẽ xem xét quyết định nhiều vấn đề quan trọng còn lại trong chương trình công tác của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Tham dự phiên khai mạc tại hội trường Diên Hồng có: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt; các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; các vị trong Đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội và các đại biểu công tác tại Hà Nội. Các đoàn đại biểu Quốc hội tham dự họp trực tuyến từ các điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quốc hội chia sẻ trước những đau thương, mất mát do mưa lũ gây ra ở nhiều tỉnh miền Trung
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo. Đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, kinh tế thế giới suy thoái, cùng những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh trong nước đã tác động bất lợi đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Với sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, sự quyết tâm, đồng lòng, hợp lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, cả nước đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để sớm kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chia sẻ, trong những ngày qua, nhiều tỉnh miền Trung của nước ta vẫn đang phải oằn mình gánh chịu những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do mưa lũ gây ra, trong đó, có sự hy sinh của nhiều cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Quốc hội chia sẻ trước những đau thương, mất mát to lớn này và xin gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào, chiến sĩ vùng bị nạn, cùng lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình cán bộ, chiến sĩ hy sinh và người dân bị tử nạn. Quốc hội đánh giá cao sự quyết liệt, khẩn trương, ứng phó linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang trong cứu hộ, cứu nạn, khắc phục, giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, biểu dương ý chí, nghị lực, tinh thần đoàn kết, đùm bọc của người dân vùng lũ; sự quan tâm, ủng hộ, tinh thần tương thân, tương ái của các nhà hảo tâm và cộng đồng xã hội.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ và chính quyền các cấp tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác với những diễn biến cực đoan của thời tiết, có các giải pháp tích cực, hiệu quả để sớm khắc phục hậu quả của mưa lũ; đồng thời, kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”, “thương người như thể thương thân” hết lòng quan tâm, động viên, chia sẻ, ủng hộ vật chất và tinh thần giúp Nhân dân các địa phương bị thiệt hại sớm vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và sản xuất.
An sinh xã hội được đảm bảo
Trình bày trước Quốc hội những kết quả nổi bật cũng như thách thức trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự nỗ lực rất lớn và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2016- 2020. 4 năm liên tiếp 2016- 2019 cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước. Năm 2020, dù chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19 nhưng đã thành công trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016- 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2- 3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016- 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011- 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30- 35%).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội
Đồng thời, tiếp tục duy trì và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động mạnh. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016- 2020. Kỷ cương, kỷ luật tài chính- NSNN được tăng cường; cơ cấu lại NSNN đạt kết quả tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng lên 81,6% (giai đoạn 2011- 2015 là 68,7%); tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên 27- 28%, tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 62- 63%. Bội chi NSNN và nợ công được kiểm soát, giảm so với giai đoạn trước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt khoảng 33,4%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 1,7 lần, năm 2020 đạt khoảng 535 tỷ USD mặc dù thương mại quốc tế giảm mạnh, trong đó điểm sáng là xuất khẩu của khu vực trong nước tăng mạnh.
Quy mô nguồn nhân lực tăng lên, chất lượng được cải thiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,5%. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Mở rộng đối tượng, nâng mức hỗ trợ người có công và tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng; đến nay có gần 1,4 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở được quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ gần 10% năm 2015 xuống dưới 3% năm 2020. Diện bao phủ BHXH được mở rộng, tăng hơn 1,3 lần so với năm 2015, chiếm gần 33% lực lượng lao động vào năm 2020. Hệ thống y tế dự phòng và mạng lưới y tế cơ sở được củng cố; năng lực giám sát, dự báo, phát hiện và khống chế dịch bệnh được nâng lên. Ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ trong KCB và quản lý y tế; triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn KCB trực tuyến, từ xa, kết nối gần 30 bệnh viện tuyến trên với 1.200 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Tỷ lệ tham gia BHYT tăng từ 76,5% năm 2015 lên 90,7% năm 2020.
Tiếp tục đổi mới, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch Covid-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016- 2020 không đạt mục tiêu đề ra. Đào tạo nguồn nhân lực còn bất cập cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự tạo động lực nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một số lĩnh vực còn chậm, hiệu quả chưa cao. Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững, có nơi nguy cơ tái nghèo còn cao; khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, tầng lớp nhân dân chậm được thu hẹp. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thị trường lao động hiệu quả chưa cao; tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức còn lớn. Sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới có một số điểm chưa phù hợp
Chính phủ trình Quốc hội 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2021; trong đó: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45- 47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%; tỷ lệ bao phủ BHYT khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1- 1,5 điểm phần trăm; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...
Trong giai đoạn 2021- 2025, dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5- 7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700- 5.000 USD; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%; năng suất lao động tăng bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 70%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1- 1,5 điểm phần trăm/năm; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%...
Để thực hiện được mục tiêu trên, Chính phủ nêu 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trọng điểm. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân. Quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, chú trọng bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội./.
PV