Tăng cường ứng dụng CNTT trong thực hiện chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ ngành BHXH Việt Nam
15/10/2020 09:49 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 13/10/2020, Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH (BHXH Việt Nam) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong thực hiện chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức, viên chức (CCVC) ngành BHXH Việt Nam. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu dự và chỉ đạo Hội thảo.
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh về xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự hội nhập quốc tế về an sinh xã hội đang diễn ra mạnh mẽ và ngày càng sâu rộng trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho CCVC ngành BHXH Việt Nam cũng phải luôn đổi mới, sáng tạo để thích ứng với xu thế hội nhập và cách mạng công nghệ 4.0. Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cũng chỉ ra các ưu thế của việc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ bằng hình thức bồi dưỡng trực tuyến giúp CCVC trong ngành tiết kiệm thời gian, chi phí… Đồng chí bày tỏ mong muốn nhận được ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà giáo thuộc các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị liên kết đào tạo và các đơn vị có liên quan, về hình thức bồi dưỡng trực tuyến và tập trung đối với các chương trình do Bộ Nội vụ và các Bộ, Ngành quản lý.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe đại diện lãnh đạo Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH trình bày báo cáo tóm tắt tình hình ứng dụng CNTT trong tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho CCVC ngành BHXH Việt Nam và kế hoạch phương hướng triển khai trong thời gian tới. Theo đó, năm 2019, Trường được đầu tư, trang bị cơ sở vật chất gồm: Hệ thống máy chủ, hạ tầng kết nối mạng internet, hệ thống các phần mềm, kho học liệu số (1.909 video bài giảng) để tổ chức thực hiện công tác bồi dưỡng trực tuyến cho CCVC ngành BHXH Việt Nam. Trong 02 năm triển khai thực hiện bồi dưỡng trực tuyến, Trường đã tổ chức được 28 lớp cho 2.634 học viên. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ được Trường xây dựng theo hình thức kết hợp giữa học trực tuyến 40% thời lượng và học tập trung 60% thời lượng, từ đó giúp Trường khai thác tối đa hệ thống bồi dưỡng trực tuyến được BHXH Việt Nam đầu tư trang bị, tiết kiệm kinh phí, tạo sự linh hoạt trong thời gian học tập. Học viên có thể tự học, học mọi lúc, mọi nơi, giảm thời gian đi lại đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Tuy nhiên, hình thức học này đòi hỏi học viên phải có tính tự giác cao, phương pháp truyền đạt và khả năng tương tác, thảo luận giữa giảng viên và học viên còn hạn chế, công tác quản lý, kiểm tra, đánh giá học viên còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng giờ học phụ thuộc vào đường truyền và các phương tiện phục vụ cho công nghệ.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các tham luận về ứngng dụng CNTT trong công tác bồi dưỡng trực tuyến (E-learing); tham luận về Ứng dụng hệ thống Hội nghị truyền hình vào công tác bồi dưỡng nghiệp vụ; tham luận đề xuất các giải pháp quản lý chất lượng bồi dưỡng đối với hình thức bồi dưỡng trực tuyến; tham luận đề xuất hình thức tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ Thanh tra viên; chương trình bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo cấp Vụ và tương đương; chương trình bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạp cấp Phòng; chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên; chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính. Các báo cáo tham luận đã phân tích, xác định tỷ lệ học trực tuyến và học tập trung cho từng chương trình, nêu những thuận lợi và khó khăn trong tổ chức thực hiện và đề xuất các giải pháp.
Hội thảo được nghe nhiều ý kiến thảo luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà giáo
Đặc biệt, đại biểu tham dự Hội thảo được nghe nhiều ý kiến thảo luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà giáo thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về chương trình bồi dưỡng, các đơn vị liên kết đào tạo như: lãnh đạo Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức - Bộ Nội Vụ; lãnh đạo Trường Cán bộ Thanh tra - Thanh tra Chính phủ; lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Trung tâm Công nghệ Thông tin, Vụ Thanh tra - Kiểm tra…
Các Đại biểu cũng tập trung đánh giá hiệu quả, những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân trong việc ứng dụng CNTT trong tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng hiện nay; những giải pháp, thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm quản lý học viên, quản lý chất lượng đào tạo khi tổ chức bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến; ngoài ra các ý kiến thảo luận còn đề cập đến việc khai thác sử dụng các bài giảng điện tử; việc bồi dưỡng kiến thức kỹ năng ứng dụng CNTT trong hoạt động giảng dạy của giảng viên.../.
Ngô Thị Thúy