EVFTA - Động lực giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hội nhập
08/09/2020 03:53 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) được đánh giá là một hiệp định thương mại toàn diện, chất lượng cao, tạo sự cân bằng về lợi ích cho cả hai phía. Hiệp định này được Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cũng như các nước EU đặt rất nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng thương mại song phương.
Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam, EVFTA sẽ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi nhanh sau đại dịch.
EVFTA được xem là động lực cho thúc đẩy phục hồi và hội nhập của doanh nghiệp (Ảnh tư liệu, nguồn Internet)
Thực tế, dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực, làm suy giảm nền kinh tế toàn cầu trong đó có cả Châu Âu và Việt Nam. Thương mại quốc tế đã ghi nhận con số tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm 2020. Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý 2/2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 240 tỷ USD, giảm -1,4% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với châu Âu là gần 30 tỷ USD, giảm -5,8%; trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu sang EU giảm -8,9% nhưng nhập khẩu tăng 5%.
Động lực giúp doanh nghiệp Việt đẩy mạnh phục hồi
Trong bối cảnh đó, EVFTA sẽ là động lực lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh cơ hội phục hồi và hội nhâp sau đại dịch. Liên minh Châu Âu với 27 nước thành viên, tổng dân số khoảng 500 triệu người và thu nhập bình quân đầu người hàng năm khoảng 32.900 USD sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy xuất nhập khẩu, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi nhanh sau đại dịch. Bà Trang cho biết “Trong lúc chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn bởi đại dịch, Việt Nam nổi lên như một nước kiểm soát tốt đại dịch, nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu trong khu vực và chính trị ổn định. Với hiệp định EVFTA có hiệu lực trong thời điểm này, nhiều chuyên gia tin rằng, đây sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam thu hút đầu tư và xu hướng chuyển dịch sản xuất trên toàn cầu. Để nắm bắt cơ hội hồi phục nhanh sau đại dịch, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh quảng bá thương hiệu thông qua các hình thích trực tuyến và giao dịch điện tử; thay cho hình thức tiếp xúc trực tiếp và xúc tiến thương mại truyền thống. Đại dịch đã đẩy nhanh quá trình số hóa nói chung và thương mại điện tử trong ngành bán lẻ nói riêng.”
Lộ trình triển khai và thực hiện của EVFTA được ghi nhận là ngắn hơn so với các với tổng thời gian thực thi trung bình kéo dài khoảng 10 năm. Trong EVFTA, thời gian mà Việt Nam thực hiện cam kết ngắn hơn chỉ trong 7 năm, trong đó, nhiều điều khoản và thỏa thuận sẽ thực hiện trong vòng 2 đến 3 năm kể từ ngày ký hiệp định. Đây là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu và đảm bảo thực hiện đúng các cam kết về chất lượng hàng hóa xuất khẩu sang EU.
Có thể nhận thấy, những hạn chế của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam như quy mô và nguồn lực nhỏ, nhiều hàng hóa chưa đạt chất lượng, mẫu mã kém đa dạng, giá cả còn cao, thiếu sự liên kết chuỗi sản xuất phân phối trong nước... Các doanh nghiệp cũng sẽ đối mặt với các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại và quy tắc xuất xứ hàng hóa tại Châu Âu khi các nước trong EU phải cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu được ưu đãi từ Việt Nam.
Tiếp tục cơ hội tiếp cận hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam
Người tiêu dùng sẽ là đối tượng hưởng lợi đầu tiên khi có thể tiếp cận với các sản phẩm hàng hóa đa dạng và chất lượng cao từ Châu Âu với giá thành hợp lý hơn. Tuy nhiên, điều nay cũng sẽ tạo áp lực cho các nhà sản xuất trong nước phải không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm để không mất thị phần ngay trên sân nhà.
Để có thể tận dụng lợi thế của EVFTA, bà Trang đưa ra nhận định “Các doanh nghiệp trong nước cần khai thác và đẩy mạnh các lợi thế hiện hữu cũng như tìm phương hướng để biến thách thức thành cơ hội, tập trung vào các mặt hàng chủ lực vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam như nông sản và thực phẩm, tìm hiểu nhu cầu thực tế và hành vi tiêu dùng của người dân Châu Âu là điều không thể thiếu để đẩy nhanh quá trình hội nhập. Bên cạnh đó, tăng cường mối liên kết giữa sản xuất và phân phối để để thắt chặt mối quan hệ cung-cầu, tìm kiếm cơ hội và đẩy mạnh các kênh phân phối mới, góp phần cải thiện chất lượng, hình ảnh và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Ngoài ra, cần liên kết, hợp tác với các đối tác ngoài nước để tận dụng công nghệ, quản lý và cả thị trường, qua đó, tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước có thể phát triển thành công ty toàn cầu. Các doanh nghiệp cần xây dựng và tạo ra cho mình chuỗi cung ứng trong nước và khu vực, đặc biệt là các nước có hiệp định thương mại với cả EU và Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA.”
Bên cạnh nỗ lực tự vươn lên để xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam, sự hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể từ Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng biện pháp bảo vệ doanh nghiệp nội địa theo hướng lập các hàng rào kỹ thuật và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài, cũng như đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền về các quy định theo cam kết của EVFTA./.
Theo dangcongsan.vn