Hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm theo Hiệp định CPTTP
28/08/2020 05:09 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 95/2020/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP).
Nghị định này quy định việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ xây dựng, cung cấp hàng hóa nêu tại Phụ lục IV, V, VI kèm theo Nghị định này thuộc dự án, dự toán mua sắm của cơ quan mua sắm được liệt kê tại Phụ lục II và Phụ lục III khi có giá gói thầu từ ngưỡng giá nêu tại Phụ lục I trở lên.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Khi tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, cơ quan mua sắm phải tổ chức đấu thầu nội khối, trừ trường hợp người có thẩm quyền xét thấy cần tổ chức đấu thầu quốc tế để mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án, gói thầu. Đấu thầu nội khối là đấu thầu mà chỉ có nhà thầu nội khối được tham dự thầu.
Trường hợp đấu thầu nội khối với gói thầu mua sắm hàng hóa, chỉ cho phép nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên tham dự thầu.
Nguyên tắc chung
Đấu thầu mua sắm theo CPTTP có 03 nguyên tắc chung.
Thứ nhất: Đối xử quốc gia và không phân biệt đối xử. Cơ quan mua sắm có nghĩa vụ: Đối xử bình đẳng giữa hàng hóa, dịch vụ và nhà thầu của các Nước thành viên với hàng hóa, dịch vụ và nhà thầu trong nước; Đối xử bình đẳng giữa hàng hóa, dịch vụ và nhà thầu của các Nước thành viên; Đối xử bình đẳng giữa các nhà thầu trong nước với nhau, không phụ thuộc vào việc nhà thầu có cổ phần, vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài hoặc phụ thuộc về mặt tổ chức với nước ngoài.
Thứ hai: Quy tắc xuất xứ: Xuất xứ của hàng hóa trong gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này được xác định theo quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
Thứ ba: Biện pháp ưu đãi trong nước.Đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, cơ quan mua sắm được áp dụng biện pháp ưu đãi trong nước theo lộ trình quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 15 của Nghị định này. Sau khoảng thời gian quy định tại Điều 15 của Nghị định này, cơ quan mua sắm không được áp dụng biện pháp ưu đãi trong nước.
Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu
Nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự tuyển phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên: Cơ quan mua sắm; nhà thầu tư vấn lập hồ sơ quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự tuyển; thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả sơ tuyển.
Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau: Cơ quan mua sắm; nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu đó.
Nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện hợp đồng phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu thực hiện hợp đồng, nhà thầu tư vấn kiểm định gói thầu đó. Nhà thầu tham dự gói thầu hỗn hợp phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ thiết kế gói thầu đó, trừ trường hợp các nội dung công việc này là một phần của gói thầu hỗn hợp.
Nhà thầu tư vấn có thể tham gia cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ tư vấn cho cùng một dự án, gói thầu bao gồm: Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, tư vấn giám sát;...
Ưu đãi đối với hàng hóa, nhà thầu nội khối khi đấu thầu quốc tế
Cơ quan mua sắm xem xét, quyết định việc áp dụng ưu đãi đối với nhà thầu nội khối và hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên đối với các gói thầu không áp dụng ưu đãi.
Đối tượng được hưởng ưu đãi: Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, nhà thầu được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu quốc tế để cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất tại các Nước thành viên chiếm tỷ lệ từ 50% trở lên; Đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ xây dựng, hỗn hợp, đối tượng được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu quốc tế bao gồm: nhà thầu nội khối tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh với nhà thầu nội khối khác; nhà thầu liên danh trong đó có thành viên liên danh là nhà thầu nội khối và thành viên này đảm nhận từ 50% trở lên giá trị công việc của gói thầu.
Nguyên tắc ưu đãi: Trường hợp nhà thầu thuộc đối tượng được áp dụng nhiều hơn một loại ưu đãi thì khi tính ưu đãi chỉ được hưởng một loại ưu đãi cao nhất theo quy định của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; Đối với gói thầu hỗn hợp, việc tính ưu đãi căn cứ vào tất cả các đề xuất của nhà thầu trong các phần công việc tư vấn, cung cấp hàng hóa, dịch vụ xây dựng. Nhà thầu được hưởng ưu đãi khi có đề xuất tổng chi phí tại các Nước thành viên (chi phí tư vấn, hàng hóa, dịch vụ xây dựng) từ 50% trở lên giá trị công việc của gói thầu; Trường hợp sau khi tính ưu đãi, nếu các hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất xếp hạng ngang nhau thì ưu tiên cho nhà thầu có đề xuất chi phí nội khối cao hơn hoặc sử dụng nhiều lao động nội khối hơn (tính trên giá trị tiền lương, tiền công chi trả).
Việc tính ưu đãi làm cơ sở đánh giá, so sánh, xếp hạng hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất thực hiện.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP, là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên là: Ốt-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po và Việt Nam.
Hiệp định đã được ký kết ngày 08/3/2018 tại thành phố San-ti-a-gô, Chi-lê, và chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mê-hi-cô, Nhật Bản, Xinh-ga-po, Niu Di-lân, Ca-na-đa và Ốt-xtrây-lia. Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14/1/2019./.
PV