"Định hướng đổi mới chính sách trợ giúp xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin"

31/07/2020 12:05 PM


Là tiêu đề cuộc Hội thảo do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp với Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 29/7, tại Hà Nội nhằm xây dựng tầm nhìn và định hướng đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội để đảm bảo thực hiện nguyên tắc "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Hội thảo nhằm đánh giá hệ thống chính sách trợ giúp thời gian qua và đưa ra khuyến nghị để hoàn thiện chính sách cho giai đoạn tới; đồng thời thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, đổi mới phương thức chi trả trợ giúp xã hội...

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, thời gian qua, Việt Nam đã nghiên cứu, ban hành hệ thống văn bản quy định chế độ chính sách an sinh xã hội, trợ giúp xã hội, trên các phương diện chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và đảm bảo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các địa phương đã triển khai thực hiện đồng bộ chính sách, giải pháp, chương trình về trợ giúp xã hội. Cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội cho trên 3 triệu người, hàng triệu người được hỗ trợ lương thực hàng năm, đào tạo nâng cao năng lực cho hàng trăm nghìn nhân viên làm công tác xã hội, xây dựng và phát triển mạng lưới dịch vụ chăm sóc xã hội, công tác xã hội cả ở cộng đồng và trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Các chương trình chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, nạn nhân bom mìn, trẻ em đặc biệt khó khăn... đã trợ giúp cho hàng trăm nghìn người khó khăn có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận dân cư được nâng lên.

Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, vẫn còn một số khó khăn như: Tư duy và nhận thức về trợ giúp xã hội chưa đồng nhất; Còn tư tưởng coi trợ giúp xã hội là làm nhân đạo, từ thiện; Hệ thống chính sách, giải pháp chưa thật sự đáp ứng được đòi hỏi trong thực tiễn;… Những hạn chế này đòi hỏi tiếp tục thảo luận, trao đổi để đưa ra các giải pháp tốt hơn nhằm khắc phục cho giai đoạn tới. Đồng thời trong bối cảnh kinh tế xã hội đang chịu tác động mạnh của các nguyên nhân khách quan như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đô thị hóa, hợp tác quốc tế đòi hỏi cần đổi mới chính sách trợ giúp xã hội cho phù hợp với tình hình mới hiện nay, trong đó đặc biệt quan tâm đến xây dựng thể chế chính sách, tăng cường cải cách hành chính, nâng cao năng lực thực hiện chính sách và thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về khoảng trống chính sách, hạn chế tổ chức thực hiện và đề xuất các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật; Tác động của đại dịch Covid-19 đến đối tượng trợ giúp xã hội và kiến nghị đổi mới chính sách; Hỗ trợ ứng dụng chi trả và báo cáo điện tử trong thực hiện chính sách hỗ trợ người dân ảnh hưởng Covid-19 tại 5 tỉnh và đề xuất hệ thống chi trả điện tử chính sách trợ giúp xã hội; Thực hiện tiếp cận chính sách nhóm dân cư không có chỗ ở ổn định và đề xuất giải pháp tăng cường điều kiện tiếp cận chính sách…

Giai đoạn vừa qua, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là UNDP đã hỗ trợ kỹ thuật và phối hợp với Bộ LĐ-TBXH thực hiện nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong rà soát đánh giá chính sách, giải pháp thực hiện các cách làm mới để đề xuất chính sách trình Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới và phát triển chính sách trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định mục tiêu, định hướng và giải pháp cho cả giai đoạn. Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu diễn ra khó lường, cần nhìn nhận lại về hệ thống chính sách trợ giúp xã hội, tăng cường công cụ thực thi chính sách thông qua giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt./.

PV