Cần giao thêm trách nhiệm cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài: Bảo vệ quyền lợi người lao động

11/06/2020 09:19 AM


Ngày 10/6, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tăng cường bảo vệ lao động bằng cách giao thêm thầm quyền, trách nhiệm cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về phạm vi, điều chỉnh của Dự án Luật gồm: quy định chính sách về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giấy phép cho doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Không nên kéo dài thời hạn cấp giấy phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Về giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 11), đại biểu Nguyễn Phương Tuấn – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đưa ra quan điểm về việc sửa đổi quy định Giấy phép hoạt động dịch vụ từ không có thời hạn thành có thời hạn 05 năm sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ về quy định này, không nên tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp, mà cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, tăng cường thanh tra, kiểm tra; Đồng thời cần nghiên cứu về vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc tham gia quản lý, giám sát, đánh giá, phân loại năng lực, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ để có quy định “hậu kiểm” phù hợp.

Về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Bá Sơn – Tp.Đà Nẵng cho rằng: Không nên quy định thời hạn đối với việc cấp giấy phép cho doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước  ngoài. Nếu sau 5 năm, doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động thì đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm trong việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài trong khi lao động vẫn đang tiếp tục làm việc ở đó?

Cần giao thêm trách nhiệm cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong bảo vệ quyền lợi người lao động

Đảm bảo cho người lao động làm việc ở nước ngoài và trở về nước được an toàn là vấn đề cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Theo đại biểu Đinh Công Sỹ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La: Thời gian qua, việc quản lý lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn lỏng lẻo. Hiện vẫn còn khoảng trống trong việc doanh nghiệp nắm bắt tình hình của lao động và thông tin lại với chính quyền địa phương khi lao động đã được đi làm việc ở nước ngoài. Vì vậy, trong dự án Luật cần bổ sung thêm trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc phối hợp với địa phương nắm bắt thông tin về người đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó là có thêm cơ chế giám sát, thanh kiểm tra doanh nghiệp được phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Mặt khác, dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) cần có thêm quy định bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Đặc biệt là cần bổ sung chế tài bảo vệ lao động là người nghèo, dân tộc thiểu số khi đi làm việc ở nước ngoài.

Để hỗ trợ việc làm này, theo đại biểu Đinh Công Sỹ, Bộ LĐ-TB&XH nên phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác nên nghiên cứu trao thêm thẩm quyền cho cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài để giám sát, nắm bắt tình hình và bảo vệ quyền lợi cho lao động Việt Nam.

Ngoài ra, cần đưa ra những giải pháp để hạn chế doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài.

Còn đại biểu Bùi Văn Phương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình nhận thấy, trong xu thế  hội nhập quốc tế, hiện nay nhiều nước trong khối ASEAN đã mở rộng tiếp nhận lao động từ nhiều nước theo dạng hợp đồng hoặc theo dạng không có hợp đồng. Nếu công dân Việt Nam sang các nước làm việc nhưng lại phát sinh một số chuyện thì phải có cách thức xử lý. Vì vậy, trong dự án Luật cần đưa thêm quy định cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải có thêm trách nhiệm bảo hộ công dân đến làm việc. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần đưa ra tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về việc lao động như thế nào mới được đi làm việc ở nước ngoài, chứ không phải ai đi cũng được.

Ảnh minh họa

Quản lý Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước không được bị phân tán

Tại phiên thảo luận ở Tổ, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước (Điều 68, 69 và 70). Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đồng ý với việc cần có Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Nguồn tiền này thực sự thiết thực nhằm hỗ trợ lao động từ nước ngoài trở về nước trong những tình huống phát sinh như trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong dự án Luật cần đề cập rõ hơn là nguồn tiền lấy từ đâu, huy động doanh nghiệp hay từ nơi nào?

Góp ý vào vấn đề này, đại biểu Bùi Văn Phương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình bày tỏ: Việc quản lý Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước không được bị phân tán, hướng điều hành sử dụng Quỹ phải tuân theo Luật Tư pháp. Tuy nhiên, nếu không được cấp kinh phí từ ngân sách Nhà nước thì nguồn kinh phí của Quỹ này lại chính là do người lao động phải thực hiện thì có nên hay không?

Theo đại biểu Bùi Văn Phương, để duy trì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước thì trong dự án Luật cần bổ sung cho người lao động tham gia bảo hiểm để được hỗ trợ cũng như tránh rủi ro cho họ trong những tình huống bất ngờ phát sinh.

Ngoài các nội dung trên, các đại biểu Quốc hội còn đóng góp ý kiến về Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Điều kiện đơn vị sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của dự án Luật.

PV