Triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW: HOẠCH ĐỊNH CĂN CƠ, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG BHXH
23/01/2020 05:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 23/5/2018 Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về Cải cách chính sách BHXH, đây là dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực BHXH. Một năm sau - năm 2019 việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đạt được kết quả nổi bật khi toàn quốc có 574.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng gấp đôi so với năm 2018 và gấp 2 lần kết quả 10 năm thực hiện chính sách này.
Nhằm tổng kết, đánh giá về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW và những kết quả đạt được, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu có cuộc trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam nhân dịp Xuân Canh Tý 2020.
PV. Là một Nghị quyết lớn của Đảng về an sinh xã hội với cốt lõi là chính sách BHXH được đúc kết, hoàn thiện qua thực tiễn và những định hướng, giải pháp lớn cho tương lai, xin Phó Tổng Giám đốc cho biết, Nghị quyết 28-NQ/TW khi triển khai, thực hiện đã tạo ra những đột phá gì trong lĩnh vực BHXH?
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu:
Ngay khi vừa ban hành, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã được các chuyên gia trong nước, các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá là có những nội dung cải cách chính sách BHXH tiến bộ, tiệm cận với các tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các Công ước và Khuyến nghị của ILO. Khi bắt đầu triển khai thực hiện, với việc hoàn thiện chính sách BHXH theo định hướng cải cách tại Nghị quyết, chúng ta tin tưởng rằng sẽ tạo ra những đột phá mới, quyền lợi của người tham gia BHXH sẽ ngày càng được bảo đảm tốt hơn.
Hội nghị Trung ương 7 đã ban hành quyết sách lớn về cải cách BHXH
Sau hơn một năm tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, dễ nhận thấy, Nghị quyết này đã tạo bước đột phá mạnh mẽ, giúp chính sách lan tỏa và từng bước đi vào cuộc sống. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Ban cán sự Đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, ngành BHXH có được nền tảng vững chắc để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao, nhất là trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Song để thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ được giao, thời gian tới, toàn Ngành cần tiếp tục nỗ lực, quyết liệt, đặc biệt phải biến chủ trương, kế hoạch thành hành động thực tiễn.
Nhìn nhận một cách khoa học, Nghị quyết 28-NQ/TW đã hoạch định một cách căn cơ mục tiêu phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế đến năm 2030, về dài hạn hướng đến bao phủ BHXH toàn dân; đồng thời xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có nhiều nội dung cải cách cần được khẩn trương thể chế hóa và tổ chức triển khai sớm. Bên cạnh đó, cần phải kiên trì, bền bỉ thực hiện trong một thời gian dài, gắn với tình hình phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Đặc biệt, Bộ luật Lao động 2019 vừa được Quốc hội thông qua đã bãi bỏ hình thức lao động mùa vụ để hạn chế việc trốn đóng BHXH; ghi nhận hình thức giao kết HĐLĐ thông qua phương tiện điện tử, quy định một số tiêu chuẩn lao động đối với người làm việc không có quan hệ lao động... Điều này đòi hỏi BHXH các địa phương phải tiếp tục thực hiện các cải cách trong thực hiện chính sách, nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người dân đối với hệ thống BHXH; gắn chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với ngành LĐ-TB&XH, Thuế... để theo dõi chặt chẽ quá trình thành lập doanh nghiệp, khai báo, thống kê lao động thuộc diện tham gia BHXH và kê khai thu nhập tiền lương và quản lý đối tượng tham gia BHXH đúng quy định; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật nhằm giảm thiểu tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT…
Niềm vui của người dân khi nhận sổ BHXH
PV. Nghị quyết 28-NQ/TW xác định, cải cách, thực hiện chính sách BHXH là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị - xã hội. Với vai trò cơ quan Nhà nước được giao thực hiện chính sách này, thời gian qua, ngành BHXH đã có những giải pháp, việc làm cụ thể nào, thưa Phó Tổng Giám đốc?
Ngay sau khi Nghị quyết 28-NQ/TW được ban hành, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 125/CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW và Nghị quyết 102/CP về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương. Theo đó, giai đoạn 2019-2020, Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào thực tế địa phương mình để tự xác định chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu được giao. Từ năm 2021 trở đi, Chính phủ sẽ quyết định giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương.
Việc quán triệt, triển khai Nghị quyết 28-NQ/TW và các Nghị quyết của Chính phủ đã được các địa phương thực hiện sôi nổi, tích cực, với sự chung sức, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, trong đó có ngành BHXH. Đây cũng được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt hơn một năm qua của các cấp, các ngành.
Về phần mình, BHXH Việt Nam đã ban hành chương trình hành động số 107-Ctr/BCSĐ ngày 16/08/2018 của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam về thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW và Kế hoạch số 5386/KH-BHXH ngày 24/12/2018 của BHXH Việt Nam về việc thực hiện Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW. Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương như: Quyết định số 2445/QĐ-BHXH về thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH giai đoạn 2019-2020.
Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, toàn Ngành còn chủ động theo dõi, giám sát tình hình hằng ngày để kịp thời nắm bắt tình hình thực tế; từ đó có sự chỉ đạo và biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Song song với đó, ngành BHXH đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện để nhiều người dân hiểu và tích cực đăng ký tham gia. Trong đó, chỉ tính riêng việc phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cũng đã tổ chức hơn 11.000 hội nghị tư vấn trực tiếp cho nhóm đối tượng tại cơ sở, qua đó góp phần phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh.
Ngành BHXH cũng thực hiện mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, phấn đấu mỗi thôn, bản, tổ dân phố đều có điểm thu BHXH tự nguyện, có nhân viên đại lý thu trực tiếp tham gia tuyên truyền, tư vấn đến từng người dân. Giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho BHXH cấp huyện và từng đại lý thu. Đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ BHXH để tạo thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Bên cạnh sự chỉ đạo của Chính phủ và sự vào cuộc của chính quyền các cấp, ngay từ đầu năm 2019, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Nhờ đó, đến hết năm 2019, toàn Ngành đã vận động được gần 600.000 người tham gia, trong đó riêng năm 2019 phát triển mới được gần 300.000 người, bằng 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện (từ năm 2008-2018). Đây là nền tảng quan trọng để BHXH phấn đấu hoàn thành mục tiêu đầu tiên trong Nghị quyết 28-NQ/TW về tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện đạt 1% ngay trong năm 2020 chứ không phải đợi đến năm 2021 theo tinh thần Nghị quyết. Điều đó cho thấy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của ngành BHXH cùng những giải pháp phù hợp, thì các mục tiêu, nhiệm vụ được giao đều có thể đạt được.
Tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia
PV. Từ thực tiễn sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, theo Phó Tổng Giám đốc đâu là những thuận lợi và thách thức với Ngành trong các năm tiếp theo; đồng thời những nhiệm vụ, giải pháp nào cần phải được chú trọng để đạt các mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra?
Nghị quyết 28-NQ/TW với 11 nội dung cải cách, là định hướng toàn diện cho quá trình xây dựng chính sách, pháp luật BHXH và 05 nhóm nhiệm vụ giải pháp chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm từng bước đạt được các mục tiêu cho từng giai đoạn - đây là những thuận lợi hết sức cơ bản cho việc hoàn thiện chính sách và tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Với những mục tiêu phát triển đã được quán triệt thực hiện trong Nghị quyết 28-NQ/TW: mở rộng diện bao phủ BHXH đến các năm 2021, 2025, 2030, tương ứng phải đạt bao phủ 35%, 45%, 60% lực lượng lao động tham gia BHXH, trong đó, yêu cầu phát triển BHXH tự nguyện với mục tiêu phải đạt từ 1%, 2,5%, 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; với BH thất nghiệp phải đạt 28%, 35%; 45% lực lượng lao động tương ứng đến các năm 2021, 2025, 2030 - đây là những thách thức vô cùng lớn khi mà việc khai thác, mở rộng diện bao phủ tham gia BHXH của chúng ta còn rất nhiều khó khăn, trong bối cảnh số người tham gia BHXH hằng năm tuy có tăng nhưng tương ứng với đó là số người hưởng trợ cấp BHXH một lần cũng không hề nhỏ; tình trạng trốn đóng BHXH tại khu vực tham gia BHXH bắt buộc vẫn còn và chưa được giải quyết triệt để; chính sách BHXH tự nguyện với mức hỗ trợ đóng rất thấp, thời gian tham gia dài chưa thực sự hấp dẫn,…
Có thể thấy, năm 2020 là năm bản lề quan trọng trong thực hiện những mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ-TW. BHXH Việt Nam xác định đây là năm tập trung cao độ để triển khai các nhiệm vụ đã được đặt ra tại Nghị quyết 28-NQ/TW, trong đó đặc biệt quan tâm việc hoàn thành các chỉ tiêu bao phủ BHXH.
Cụ thể, Ngành sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm phát triển vững chắc hệ thống BHXH, BHYT, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền được an sinh xã hội của mỗi công dân.
Bên cạnh sự chủ động, các cấp BHXH cũng cần đặc biệt chú trọng công tác tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật liên quan BHXH để mở rộng độ bao phủ BHXH. Từ đó, tạo bước ngoặt trong việc chăm sóc, giúp những người hết tuổi lao động có nguồn thu nhập ổn định thông qua BHXH; đồng thời giảm gánh nặng cho NSNN cũng như áp lực cho xã hội. Muốn đạt được điều này, đòi hỏi người đứng đầu BHXH các địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ then chốt, và phải tham mưu để cấp ủy Đảng các cấp đưa vào trong Cương lĩnh Đại hội Đảng bộ các cấp sắp tới.
Chúng ta cần phải đi vào từng nhiệm vụ cụ thể, từng chỉ tiêu cụ thể thì mới đạt được chỉ tiêu mà Trung ương đã đề ra. Bên cạnh đó, cần phải được triển khai kịp thời, toàn diện, đồng bộ cả trên phương diện xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật về BHXH. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người lao động trong việc bảo đảm an sinh lâu dài cho bản thân và gia đình mình, từ đó thúc đẩy mở rộng diện bao phủ, giảm số lượng người hưởng chế độ BHXH một lần…
Thực hiện chủ trương của Thủ tướng là xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ người dân do đó, đề nghị các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch cụ thể làm cơ sở bứt phá cho từng năm và theo từng giai đoạn đã được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 125/NQ-CP.
Toàn Ngành BHXH phải chủ động, nỗ lực, quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết 28-NQ/TW, tìm ra các giải pháp mở rộng bền vững diện bao phủ BHXH. Từ đó, tạo được niềm tin của xã hội, nhất là của người dân, người lao động, khẳng định được hình ảnh, vị thế của Ngành trong sự nghiệp an sinh xã hội./.
PV. Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!
PV (thực hiện)