BHXH tỉnh Đồng Nai: Phát huy thế mạnh, thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT
22/01/2020 10:38 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Với tiền đề về phát triển công nghiệp, điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, những năm qua BHXH tỉnh Đồng Nai đã tích cực thực hiện chính sách BHXH, BHYT đạt nhiều kết quả tốt. Năm 2019, BHXH tỉnh tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Số người tham gia BHXH, BHYT tăng nhanh
Đồng Nai là tỉnh nằm trong khu vực miền Đông Nam Bộ, giữ vị trí quan trọng trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước. Toàn tỉnh có 31 khu công nghiệp đang hoạt động (chiếm 10% khu công nghiệp cả nước), giải quyết việc làm cho trên 600.000 lao động. Dân số của tỉnh đông, hơn 3 triệu người, xếp thứ 5 toàn quốc. Phát huy những lợi thế này, an sinh xã hội cho người dân, trụ cột là BHXH, BHYT luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ. BHXH tỉnh cũng không ngừng nỗ lực, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Hướng dẫn giải quyết TTHC tại bộ phận "Một cửa" BHXH tỉnh Đồng Nai
Do đó, tỷ lệ tham gia BHXH tại Đồng Nai liên tục tăng trưởng tích cực những năm qua. Năm 2012, tỷ lệ tham gia BHXH trên lực lượng lao động của Đồng Nai là 36,9% - là một tỷ lệ cao so với tỷ lệ toàn quốc thời điểm đó. Năm 2013 tỷ lệ này là: 37,6%; 2014: 38,9%; 2015: 40,3%; 2016, 2017: 42,7%. Hết năm 2019, số người tham gia BHXH bắt buộc của tỉnh là 832.266 người, chiếm hơn 49% so với lực lượng lao động. Với kết quả này, BHXH tỉnh đã hoàn thành 100,1% kế hoạch BHXH Việt Nam giao trong năm 2019, cao hơn 1,7% so với chỉ tiêu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao. Đây cũng là tỷ lệ bao phủ BHXH cao so với mặt bằng chung cả nước - tiệm cận với mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện của Đồng Nai cũng tăng nhanh. Năm 2019, toàn tỉnh có 9.194 người tham gia, tăng 4.482 người so với cuối năm 2018, đạt 116,7% so với Kế hoạch BHXH Việt Nam giao.
Về phát triển BHYT, năm 2009, tỷ lệ bao phủ BHYT tại Đồng Nai chỉ đạt con số khiêm tốn (52,8% dân số); đến năm 2015 tăng lên và đạt bao phủ 70,6%. Hết năm 2019, toàn tỉnh có 2.579.646 người (tăng 88.536 người so với năm 2018, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 87,1% dân số, cao hơn 0,6% so với chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao).
Bên cạnh công tác phát triển đối tượng, công tác thu, giảm nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của tỉnh Đồng Nai cũng đạt kết quả tốt. Liên tục trong các năm qua, BHXH tỉnh Đồng Nai luôn đảm bảo hoàn thành công tác thu; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2015-2018 đạt tỷ lệ 16%. Tỷ lệ nợ đọng luôn được duy trì ở mức thấp; năm 2015, tỷ lệ nợ là 2,89%; năm 2016 xuống chỉ còn 1,57%; 2017 là 1,49%; 2018 là 1,46%. Năm 2019, BHXH tỉnh thu đạt gần 20,8 ngàn tỷ đồng; số nợ khoảng 213,3 tỷ đồng, bằng 1,05% tổng số phải thu (đạt chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ BHXH Việt Nam giao)…
Công tác giải quyết và chi trả lương hưu, các chế độ BHXH, BH thất nghiệp, giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT được BHXH tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Năm 2019, toàn tỉnh có 2.125.937 lượt người hưởng lương hưu và các chế độ BHXH, BHYT; thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 7.591.448 lượt người...
Hướng tới bao phủ, phát triển bền vững
Có thể thấy, tỷ lệ tham gia BHXH, BHYT tại Đồng Nai đã đạt khá cao nhưng với đặc thù của một địa bàn phát triển công nghiệp mạnh, quá trình tham gia của người lao động tại Đồng Nai vẫn tiềm ẩn yếu tố không ổn định, vẫn diễn ra xu hướng nhận BHXH một lần thay vì tiếp tục tham gia BHXH để nhận lương hưu sau này. Theo thống kê, số lượt giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần tại Đồng Nai có xu hướng tăng dần. Năm 2015 là 34.940 người; 2016 là 38.619 người; năm 2017 là 42.464 người; năm 2018 là 47.940 người; năm 2019 là 51.310 người.
Nguyên nhân, sự biến động thị trường lao động, việc làm trên địa bàn dễ làm gián đoạn quá trình tham gia. Công nghiệp phát triển mạnh song chủ yếu tập trung vào một số ngành nghề có tính thâm dụng lao động cao (dệt may, da giày…). Đặc điểm của các ngành nghề này là dễ đào tạo và thu hút lao động từ khu vực nông thôn; song chỉ duy trì bảo đảm việc làm chỉ trong khoảng 10 năm; khi người lao động lớn tuổi hơn, yếu tố sức khỏe khó đảm bảo do vậy khó duy trì được việc làm; doanh nghiệp sẽ chủ động tuyển dụng lao động thay thế trẻ hơn và sa thải lao động lớn tuổi.
Bên cạnh đó, vẫn chưa có biện pháp thực sự hiệu quả xử lý nợ đọng BHXH, BHYT và nhất là việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh trật tự trên địa bàn và quyền lợi BHXH, BHYT của người lao động. Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với chỉ tiêu thực hiện năm cũng như chỉ tiêu được quán triệt tại Nghị quyết 28-NQ/TW. Tỷ lệ bao phủ BHYT dù đã đạt tương đối nhưng vẫn đang ở mức thấp hơn so với tỷ lệ bao phủ bình quân cả nước (hiện đạt gần 90%)…
BHXH tỉnh đề ra nhiều giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2020
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại này, theo ông Phạm Minh Thành - Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai: cần thực hiện giải pháp khác nhau, từ chuyển đổi quan điểm trong thu hút đầu tư kinh doanh (chú trọng các ngành nghề ít thâm dụng lao động, tạo việc làm bền vững) cho đến việc đào tạo nghề cho lực lượng lao động nhất là với khu vực nông thôn; xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động bền vững... Từng bước nâng cao nhận thức của người dân, người lao động trên địa bàn, chủ động tham gia BHXH, BHYT, hạn chế tình trạng nhận BHXH một lần, tăng tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện…Việc nhận thức đúng, đủ, sâu sắc vai trò quan trọng của chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cũng sẽ là công cụ hiệu quả để người lao động phát huy vai trò giám sát thực hiện, kịp thời phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp về BHXH, BHYT, ngăn chặn tình trạng chủ sử dụng lao động bỏ trốn…
Do đó, công tác tuyên truyền, truyền thông về BHXH, BHYT cần thực hiện thường xuyên liên tục trong cả một quá trình, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người lao động, nhân dân về BHXH, BHYT. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực BHXH, BHYT; kịp thời phát hiện và xử lý thật nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH, BHYT. Phối hợp chặt chẽ theo dõi, giám sát việc khắc phục nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các đơn vị đã thanh tra, lập thủ tục chuyển hồ sơ các đơn vị sau thanh tra cố tình nợ đọng, trốn đóng BHXH sang cơ quan Công an để điều tra, xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự…
Phạm Chính