Đảm bảo an sinh xã hội bền vững trên địa bàn Thủ đô
21/01/2020 03:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Là một trong những địa phương có số người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT lớn nhất cả nước, năm 2019, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CCVC) BHXH TP. Hà Nội đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô.
BHXH TP. Hà Nội luôn chú trọng nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ đáp ứng sự hài lòng của doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô (ảnh minh họa)
Một năm “đột phá”
Năm 2019 được xem là năm “đột phá” trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT của BHXH TP. Hà Nội. Đứng trước khối lượng công việc ngày càng tăng, áp lực hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ ngày càng lớn, năm 2019, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của BHXH Việt Nam, của Thành uỷ, UBND Thành phố; sự phối hợp hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể, CCVC BHXH TP. Hà Nội đã nỗ lực, quyết tâm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội bền vững và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại Hà Nội liên tục tăng trưởng tích cực trong năm qua. Số người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BH thất nghiệp là 3.488.008 người, tăng 227.965 người so với năm 2018; số người tham gia BHYT là 6.992.947 người, tăng 275.006 người so với năm 2018. Với kết quả này, BHXH Thành phố đã hoàn thành 100% kế hoạch BHXH Việt Nam giao trong năm 2019.
Bên cạnh công tác phát triển đối tượng, công tác thu, giảm nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của Thành phố cũng đạt kết quả tốt. Tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 43.355,4 tỷ đồng (tăng 11,7% tương ứng tăng 4.550,6 tỷ đồng so với năm 2018); tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp giảm, chiếm 1,96% kế hoạch thu, giảm 0,55% so với năm 2018 - đạt tỷ lệ thấp nhất trong những năm gần đây. Đây là kết quả từ sự quyết liệt của lãnh đạo BHXH Thành phố trong việc đề ra các biện pháp nhằm giải quyết triệt để bài toán xử lý nợ đọng BHXH, BHYT. Năm 2019, BHXH Thành phố đã chủ động tham mưu UBND Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn Thủ đô; đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ BHXH, BHYT trên địa bàn. Thực hiện công khai danh sách các doanh nghiệp nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo, Tạp chí BHXH, Báo Kinh tế đô thị, Báo Hà Nội mới, VOV giao thông, Cổng Thông tin điện tử UBND Thành phố, Cổng thông tin điện tử BHXH Thành phố, Đài phát thanh các quận, huyện, thị xã…
Bên cạnh đó, Hà Nội là địa phương có số người hưởng chế độ chính sách BHXH lớn với 1.452.498 đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, cùng với số tiền chi trả lớn nhất cả nước là 28.895,4 tỷ đồng, song việc chi trả luôn đảm bảo kịp thời, chính xác, an toàn, không để xảy ra thất thoát.
Tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT đến 31/12/2019 khoảng 18.933 tỷ đồng, chiếm 112% dự toán được giao, đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho trên 12 triệu lượt người. Đồng thời, tiếp tục ứng dụng Hệ thống thông tin giám định BHYT trong thực hiện giám định thanh quyết toán chi phí khám chữa BHYT; 100% các cơ sở khám, chữa bệnh đã được liên thông với hệ thống thông tin giám định BHYT.
Năm 2019, BHXH TP.Hà Nội tiếp tục tăng cường đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính; chủ động chia sẻ, kết nối dữ liệu với các đơn vị ngoài ngành; đa dạng hóa hình thức và phương thức giao dịch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong việc giao dịch, thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT.
Mô hình ứng dụng CNTT và cải cách thủ tục hành chính của BHXH TP. Hà Nội
BHXH TP.Hà Nội là đơn vị đầu tiên triển khai mô hình giao dịch trong hệ thống BHXH Việt Nam qua việc đẩy mạnh triển khai thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử với 13 thủ tục hành chính, tập trung trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và lĩnh vực cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Hà Nội cũng là địa phương duy nhất thực hiện thủ tục hành chính liên thông theo Thông tư 05 của liên ngành: Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Y tế. Theo đó, người dân cùng lúc làm Giấy khai sinh, đăng ký thường trú trên địa bàn Thành phố và thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; cùng lúc đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú trên địa bàn TP, chế độ tử tuất, mai táng phí. Thời gian cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi giảm từ 7 ngày còn dưới 2 ngày (ở địa bàn quận) và dưới 3 ngày (ở địa bàn huyện). Đồng thời, kết nối thành công với các hệ thống Ngân hàng, kho bạc triển khai xây dựng cổng thanh toán, thu nộp BHXH, BHYT; chia sẻ các dịch vụ giữa BHXH Thành phố với các đơn vị khác giúp rút ngắn thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.
BHXH TP.Hà Nội cũng là đơn vị được BHXH Việt Nam giao thực hiện thí điểm và hoàn thiện hệ thống phần mềm tiếp nhận và giám định BHYT để đảm bảo việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT nhanh gọn, chính xác, trước khi triển khai toàn quốc; triển khai thí điểm việc kết nối thành công với Ngân hàng việc thu, đóng tiền BHXH, BHYT; triển khai việc kết nối giữa phần mềm xét duyệt các chế độ ngắn hạn với Hệ thống Quản lý thu TST và Hệ thống Thông tin giám định để giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, gây thất thoát Quỹ ốm đau, thai sản. Ghi nhận những kết quả đạt được, vừa qua, BHXH Thành phố Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong công tác ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT tiếp tục được thực hiện thường xuyên, đồng bộ, thống nhất trên toàn Thành phố. BHXH TP. Hà Nội đã chủ động đối thoại, tọa đàm với doanh nghiệp và người lao động nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Đồng thời, đăng tải các tin, bài về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần đưa chính sách an sinh xã hội nhân văn của Đảng và Nhà nước ta đến gần với nhân dân.
Xây dựng BHXH thành phố Hà Nội chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả
Có thể thấy, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng với đặc thù của một địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp, thu hút đông đảo lao động từ các địa phương khác đến sinh sống và làm việc thì việc phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và BHYT vẫn còn chưa tương xứng tiềm năng. Nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật về lao động, BHXH, BHYT của nhiều người sử dụng lao động chưa nghiêm túc, vẫn còn tình trạng người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận, chủ động trốn đóng BHXH, đóng không đúng mức quy định. Bên cạnh đó, hiểu biết pháp luật của người lao động còn hạn chế nên chưa đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Thực tiễn cho thấy, vẫn còn tình trạng một số cơ sở khám, chữa bệnh BHYT chưa nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT hợp lý, hiệu quả; chất lượng khám, chữa bệnh của một số cơ sở y tế đã có chuyển biến, song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, một số bệnh viện vẫn còn quá tải ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Về phía cơ quan BHXH, mặc dù đã có nhiều giải pháp hợp lý hóa quy trình nghiệp vụ, ứng dụng CNTT để xử lý hầu hết các lĩnh vực nghiệp vụ, tuy nhiên là một đại đô thị, nhiều biến động về thị trường lao động, dân cư nên việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức…
Với tinh thần đoàn kết - trách nhiệm - nỗ lực - quyết tâm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao năm 2020 (ảnh minh họa)
Bước sang năm 2020, nhằm góp phần tích cực cùng Ngành và Thành phố thực hiện thắng lợi mục tiêu an sinh xã hội bền vững cho người dân trên địa bàn Thủ đô, BHXH thành phố Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện tốt chế độ, chính sách BHXH, BHYT.
Chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và thực hiện giao chỉ tiêu giảm nợ đến từng viên chức quản lý thu. Phấn đấu năm 2020, giảm tỷ lệ nợ xuống dưới hoặc bằng mức bình quân chung của cả nước, hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT, phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp và BHXH tự nguyện.
Thực hiện quyết liệt các giải pháp kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường rà soát dữ liệu của Cục Thuế cung cấp, yêu cầu đơn vị tham gia BHXH, BHYT cho người lao động theo quy định.
Tiếp tục phối hợp với Bưu điện Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện tốt công tác chi trả lương hưu, các chế độ BHXH, đảm bảo an toàn, chính xác, kịp thời đến tay người người hưởng; đẩy mạnh hình thức chi trả qua thẻ ATM, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu do BHXH Việt Nam giao.
Tiếp tục đổi mới nội dung, cách thức tuyên truyền theo nhóm đối tượng; tăng cường đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp và người lao động.
Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành BHXH Thành phố đầy đủ năng lực, kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, tận tâm trong công việc, thân thiện và đáp ứng yêu cầu công tác.
Với tinh thần đoàn kết - trách nhiệm - nỗ lực - quyết tâm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động BHXH thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ đối với doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô hướng tới xây dựng BHXH TP. Hà Nội chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp./.
TT