Bài 2. Vạn sự khởi đầu nan...
20/01/2020 09:15 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đi công tác, bác luôn chủ động ăn cơm trên đường để không phiền hà các địa phương. Đến BHXH tỉnh nào, trừ những bữa cơm có tính chất giao đãi, có khách mời là lãnh đạo tỉnh thì không nói, những bữa cơm thông thường, bác bảo, chỉ cần gọi cho bác một món mặn (thường là cá kho), một món canh và vài quả cà muối.
Sau 03 tháng ổn định bộ máy tổ chức ở cơ quan Trung ương và thực hiện các thủ tục kiện toàn nhân sự tại BHXH một số địa phương, hôm nay, BHXH Việt Nam tổ chức trao Quyết định bổ nhiệm cho Giám đốc BHXH một số tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Gia Lai, Sóc Trăng... Lướt nhìn từng gương mặt đồng nghiệp, cấp dưới, trong đó hầu hết Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố lần đầu tiên anh Châu mới gặp mặt. Nhưng quá trình công tác của từng người, anh đều nắm rất rõ. Bởi lẽ trước khi bổ nhiệm, anh đã nghiên cứu rất kỹ từng hồ sơ, ý kiến nhận xét, đánh giá của Tỉnh ủy, UBND các tỉnh đối với từng cán bộ được giới thiệu vào chức danh Giám đốc BHXH tỉnh. Hầu hết số Giám đốc bổ nhiệm lần này đều là những người có thâm niên gắn bó với công tác BHXH từ Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động chuyển sang. Số lãnh đạo nam hầu hết là cựu chiến binh nên anh Châu cảm thấy rất yên tâm. Phát biểu trong buổi lễ trao Quyết định bổ nhiệm Giám đốc BHXH các tỉnh, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Châu nói giản dị như một lời tâm sự:
- Ngành ta vừa mới thành lập. Công việc còn bộn bề, khó khăn trước mắt sẽ rất nhiều. Tôi mong các đồng chí Giám đốc BHXH các tỉnh sẽ phát huy kinh nghiệm đã tích lũy trong thời gian công tác trước đây, tiếp tục trau dồi kỹ năng quản lý, tranh thủ sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ động tham mưu với Ban Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trên địa bàn. Ngành ta mới thành lập, kinh phí hoạt động còn eo hẹp, phương tiện đi lại còn khó khăn, các đồng chí ở địa phương nếu gặp khó khăn, vướng mắc, cần xin ý kiến chỉ đạo của BHXH Việt Nam, chỉ cần gọi điện thoại trực tiếp cho tôi và các đồng chí Phó Tổng Giám đốc, không phải đi lại nhiều, vừa tốn kém về tiền bạc lại vừa mất thời gian.
Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Châu báo cáo kết quả công tác năm 1995 tại Hội nghị tổng kết công tác BHXH năm 1995 và triển khai nhiệm vụ năm 1996
Đến tận bây giờ, buổi lễ trao Quyết định bổ nhiệm đó vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của rất nhiều người. Đồng chí Lưu Hòa Bình, Nguyên Giám đốc BHXH tỉnh Sóc Trăng, kể lại: Trụ sở BHXH Việt Nam khi đó là mấy căn phòng thuê tạm của Nhà khách Chính phủ tại 37 Hùng Vương. Trang thiết bị trong phòng Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc và các nhân viên đều giống hệt nhau, chỉ có bộ bàn ghế làm việc và chiếc máy tính cũ. Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Châu mặc một chiếc áo sơ mi trắng và chiếc quần âu sẫm màu, chân đi đôi dép cao su y như đôi dép cao su của Bác Hồ vậy.
Đồng chí La Văn Minh, Nguyên Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Thái; đồng chí Nguyễn Kim Loan, Nguyên Giám đốc BHXH tỉnh An Giang thì nhớ mãi hình ảnh Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Châu đi dép lốp, quần xắn cao, lội suối vào tận bản đi thực tế công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng. Dáng người cao gầy, đôi mắt sáng, tác phong nhanh nhẹn, giản dị và đặc biệt là sự gần gũi, quan tâm đến đời sống của đồng bào khiến cho nhiều người gặp Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Châu một lần thường bảo, đây đúng là con cháu của cụ Hồ.
Với đồng chí Nguyễn Xuân Thắc, lái xe của Văn phòng đại diện BHXH Việt Nam ở phía Nam, kỷ niệm với Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Châu cũng hết sức đặc biệt. Khi đó, Văn phòng đại diện phía Nam chỉ có một chiếc xe Camry cũ do anh Thắc lái, phục vụ lãnh đạo BHXH Việt Nam khi vào công tác các tỉnh phía Nam. Lái xe cho các "sếp" đã nhiều nhưng anh Thắc chưa thấy "sếp" nào vừa giản dị, vừa tiết kiệm, rất gần gũi mà cũng rất thẳng thắn như bác Châu. Đi công tác, bác luôn chủ động ăn cơm trên đường để không phiền hà các địa phương. Đến BHXH tỉnh nào, trừ những bữa cơm có tính chất giao đãi, có khách mời là lãnh đạo tỉnh thì không nói, những bữa cơm thông thường, bác bảo, chỉ cần gọi cho bác một món mặn (thường là cá kho), một món canh và vài quả cà muối. BHXH các tỉnh thương bác đi đường xa vất vả, muốn thuê cho bác một phòng riêng để nghỉ ngơi cho thoải mái, bác cười bảo: "Phòng thuê chỉ để ngủ. Lấy phòng riêng làm gì cho tốn kém. Các cậu lấy 01 phòng thôi. Tôi với ông Thắc ở một phòng lại càng vui". Lần đầu tiên, có vị lãnh đạo BHXH tỉnh trách anh Thắc: "Cậu phải giả vờ nói là cậu ngáy, muốn ngủ riêng chứ lại". Lần sau, anh Thắc y lời xui thì bác lại bảo: "Ở chung phòng, cậu ngáy còn tôi lại thức khuya, thực ra chưa biết ai làm phiền ai". Thế là "kế hoạch nói dối" phá sản. Mỗi lần đi công tác, anh Thắc vẫn ở chung phòng với Tổng Giám đốc. Những lần như vậy, anh Thắc mới thấu hiểu vì sao Tổng Giám đốc gầy thế. Thì béo làm sao được khi trên đường đi bác cũng tranh thủ xem tài liệu, tối về phòng nghỉ vẫn tranh thủ đọc đọc, viết viết đến khuya, chuẩn bị thật kỹ nội dung để ngày hôm sau làm việc với lãnh đạo địa phương.
Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Châu (người đứng) phát biểu tại buổi gặp mặt lãnh đạo BHXH một số tỉnh phía Bắc
Tháng 01 năm 1996
Sau 06 tháng đi vào hoạt động, với sự nỗ lực, cố gắng của toàn Ngành, BHXH Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ. Đặc biệt là công tác thu BHXH tuy mới chính thức triển khai trong 03 tháng cuối năm nhưng đã đạt 696.866 triệu đồng, có 32/53 BHXH tỉnh, thành phố đạt 100% kế hoạch trở lên, trong đó có 12 đơn vị đạt trên 150% kế hoạch. Tuy nhiên, qua các chuyến công tác thực tế tại địa phương, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Châu nhận thấy nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về BHXH còn hết sức mờ nhạt, nhiều người nhầm lẫn BHXH với các loại hình BHXH thương mại. Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ngành, ngay trong những tháng cuối năm 1995, mặc dù còn bộn bề công việc, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Châu vẫn chỉ đạo Phó Tổng Giám đốc Phạm Thành chuẩn bị cho việc xuất bản một ấn phẩm tuyên truyền của Ngành. Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 01/1996, BHXH Việt Nam đã cho ra mắt ấn phẩm Bản tin BHXH (tiền thân của Tạp chí BHXH ngày nay), phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách BHXH và các hoạt động của hệ thống BHXH trong cả nước. Đến bây giờ, đồng chí Trần Xuân Vinh, Thư ký Ban Biên soạn (sau này là Trưởng Ban Tuyên truyền BHXH Việt Nam) vẫn còn giữ được bản in thử Bản tin nội bộ đầu tiên, trong đó có bút tích biên tập từng tin, bài của Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Châu.
Để kiện toàn công tác nhân sự làm Bản tin nội bộ (sau khi phát hành số đầu tiên đã được nâng cấp lên thành Thông tin BHXH), Tổng Giám đốc ủy quyền cho Phó Tổng Giám đốc Phạm Thành tìm kiếm, lựa chọn và giới thiệu những người có năng lực, trình độ và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông. Những ngày cuối năm 1997, mặc dù đang nằm trên giường bệnh, một số công việc phải tạm gác lại, nhưng riêng công tác nhân sự của Thông tin BHXH vẫn được Tổng Giám đốc quan tâm giải quyết. Nhiều cán bộ của Thông tin BHXH (sau này là Tạp chí BHXH và Báo BHXH) đã được Tổng Giám đốc ký Quyết định tuyển dụng ngay trong thời gian đang nằm trên giường bệnh./.
Ngọc Ánh