Quốc hội thảo luận một số vấn đề liên quan đến dự án Luật Lực lượng dự bị động viên
11/11/2019 10:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, chiều ngày 11/11, Quốc hội nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận một số nội dung liên quan đến dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Nguồn ảnh: Quochoi.vn
Trình bày báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và báo cáo giải trình việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật như sau:
Về các hành vi bị nghiêm cấm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc đăng ký quân nhân dự bị là trách nhiệm của công dân, đã được quy định tại Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và Luật Nghĩa vụ quân sự, còn trách nhiệm của quân nhân dự bị được xếp trong đơn vị dự bị động viên đã quy định tại Điều 4 dự thảo Luật trình Quốc hội. Vì vậy, hành vi trốn tránh việc thực hiện trách nhiệm của quân nhân dự bị là rõ ràng và có cơ sở pháp lý. Bên cạnh đó, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo thì Nhà nước nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc và xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân nên đề nghị Quốc hội không bổ sung hành vi này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho thay cụm từ “trách nhiệm” bằng “nghĩa vụ” tại khoản 1 cho thống nhất với Điều 5; thay cụm từ “sử dụng” bằng “huy động” tại khoản 3 và chuyển thành Điều 7 như dự thảo Luật trình Quốc hội.
Về đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định danh mục phương tiện kỹ thuật dự bị bảo đảm huy động cho Quân đội nhân dân trong thời bình và trong thời chiến phải bảo đảm linh hoạt, phù hợp với nhiệm vụ cụ thể, nhu cầu biên chế thực tế của đơn vị dự bị động viên và yêu cầu trang bị kỹ thuật trong từng giai đoạn, đồng thời phải bảo đảm yếu tố “bí mật”. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định trên như dự thảo Luật. Đồng thời, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm cụ thể, rõ ràng và có tính khả thi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho sửa khoản 3 như sau: “Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức định kỳ hằng năm báo cáo, cung cấp thông tin về phương tiện kỹ thuật dự bị không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cho Ủy ban nhân dân cấp huyện để đăng ký, quản lý”.
Về tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: Quy định tỷ lệ dự phòng tại dự thảo Luật là Luật hóa Điều 10 Nghị định số 39/CP ngày 28/4/1997 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, là cần thiết, phù hợp với yêu cầu tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên, bảo đảm chủ động về nguồn cho các địa phương, vì nhiều khi quân nhân dự bị có lý do chính đáng không thể thực hiện được lệnh huy động, như: bị bệnh tật, ốm đau, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Mặt khác, tỷ lệ này nằm trong nguồn đã đăng ký, quản lý nhưng chưa xếp vào đơn vị dự bị động viên nên không làm tăng ngân sách. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Chính phủ trình.
Đại biểu phát biểu tại phiên họp. Nguồn ảnh: Quochoi.vn
Đối với độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật quy định độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình thấp hơn độ tuổi của quân nhân chuyên nghiệp dự bị theo Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, vì nguồn đối tượng này nhiều, đồng thời, bảo đảm sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; còn độ tuổi đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị là phù hợp với Luật Nghĩa vụ quân sự. Việc quy định độ tuổi của quân nhân dự bị đã được đánh giá kỹ tác động, bảo đảm nguồn để huy động vào lực lượng dự bị động viên. Khi có chiến tranh, việc gọi quân nhân dự bị vào phục vụ tại ngũ thực hiện theo hai luật trên và Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên cơ sở ý kiến đại biểu, để tránh trùng lặp và bảo đảm thống nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ cụm từ "thuộc bộ đội chủ lực" tại cuối điểm a khoản 2 và thống nhất sử dụng cụm từ "không quá” để chỉ độ tuổi cao nhất của quân nhân dự bị như Điều 17 dự thảo Luật trình Quốc hội.
Về chế độ phụ cấp đối với quân nhân dự bị được sắp xếp, bổ nhiệm vào đơn vị dự bị động viên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Pháp lệnh hiện hành và Nghị định số 39/CP ngày 28/4/1997 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh chỉ quy định quân nhân dự bị và gia đình họ được hưởng phụ cấp trong thời gian quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu. Để bảo đảm tương xứng với chế độ, chính sách của sĩ quan dự bị đã đăng ký cũng được hưởng phụ cấp và động viên hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị, dự thảo Luật Chính phủ trình quy định chung “Quân nhân dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên được hưởng phụ cấp” là phù hợp, góp phần bảo đảm công bằng hơn trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở ý kiến đại biểu, để bảo đảm rõ ràng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho sửa lại khoản 3 là “Chính phủ quy định mức phụ cấp, điều kiện và thời gian được hưởng phụ cấp” và chỉnh lý lại nội dung như Điều 29 dự thảo Luật trình Quốc hội.
Ngoài các vấn đề nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bỏ Điều 9 (Nội dung xây dựng lực lượng dự bị động viên) và Điều 24 (Nội dung huy động lực lượng dự bị động viên); chuyển Điều 18 (Trách nhiệm của quân nhân dự bị được xếp trong đơn vị dự bị động viên) thành Điều 4. Đồng thời, nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý nhiều vấn đề về kỹ thuật văn bản, nội dung cụ thể tại các điều, khoản để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi. Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 05 chương, 41 điều.
Toàn cảnh Phiên họp. Nguồn ảnh: Quochoi.vn
Tại Phiên thảo luận tại Hội trường, đã có 12 đại biểu phát biểu và 01 đại biểu tranh luận. Đa số đại biểu nhất trí Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng dự bị động viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về các nội dung: Tên gọi của Luật; phạm vi điều chỉnh; bổ sung các quy định, như: Trách nhiệm giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đối với lực lượng dự bị động viên; quy định khiếu nại, tố cáo và trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo; định danh rõ thẩm quyền lập kế hoạch; quy định chế tài xử lý đối với các cá nhân không tham gia quân nhân dự bị huấn luyện, diễn tập; các hành vi cấm (huy động lực lượng dự bị động viên không có trong kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chủ phương tiện có phương tiện kỹ thuật trốn tránh, trì hoãn khi đã xếp trong đơn vị dự bị động viên); đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị; chế độ, chính sách đối với người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị được điều động hoặc huy động đối với trường hợp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; giao Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Ủy ban nhân dân huyện tổ chức sinh hoạt cho quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên từ tiểu đội trưởng và tương đương trở lên; bổ sung chế tài đối với các cơ quan, tổ chức không tạo điều kiện cho quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập; quy định nội dung chi cho xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ trợ cấp đối với gia đình quân nhân dự bị; quy định trưng mua tài sản; quy định các trường hợp miễn, hoãn tham gia lực lượng dự bị động viên.
Sau thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt thay mặt cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp các cơ quan chức năng chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua./.
PV (t/h)