Áp dụng khoa học - công nghệ trong phòng chống thiên tai và quản lý đê điều
11/11/2019 04:46 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV diễn ra sáng ngày 11/11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày Tờ trình. Nguồn ảnh: Quochoi.vn
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và các văn bản hướng dẫn các Luật này đã tạo hành lang pháp lý trong công tác phòng chống thiên tai, quản lý đê điều, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành các Luật đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc lớn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay, cụ thể:
Đối với Luật Phòng, chống thiên tai, một số loại hình thiên tai chưa được quy định trong Luật; lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cấp xã là những nguồn nhân lực quan trọng đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai từ trước tới nay nhưng chưa được xác định trong Luật; Quỹ phòng chống thiên tai đã được thành lập và hoạt động theo Luật Phòng, chống thiên tai, nhưng mới chỉ được tổ chức ở cấp tỉnh, chưa có ở Trung ương để xử lý, hỗ trợ cho các địa phương khi có tình huống thiên tai nghiêm trọng xảy ra, đồng thời để tiếp nhận nguồn hỗ trợ, cứu trợ tự nguyện của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho công tác ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai; chưa có quy định về vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng cho phòng, chống thiên tai; chưa quy định về điều tra cơ bản, kiểm soát an toàn, khoa học và công nghệ phòng chống thiên tai để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện; chưa quy định nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế cho hoạt động cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn và hỗ trợ dài hạn; chưa quy định thẩm quyền kêu gọi, tiếp nhận và triển khai các khoản hỗ trợ khẩn cấp nước ngoài trong các tình huống khẩn cấp do thiên tai đối với Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.
Đối với Luật Đê điều, hoạt động nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều cần phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tăng cường công tác quản lý nhà nước ở trung ương; chưa có quy định việc sử dụng bãi nổi, cù lao nơi chưa có công trình xây dựng và việc xử lý công trình, nhà ở hiện có ở bãi nổi, cù lao nên tạo ra khoảng trống pháp lý trong quá trình thi hành Luật; việc xây dựng cầu qua sông có đê còn vướng mắc trong quá trình thực hiện (đối với dự án xây mới, cải tạo mở rộng cầu cũ tại những vị trí khoảng cách giữa hai tuyến đê lớn); cần sửa đổi quyền hạn của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều trong việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều để phù hợp với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tên Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các cấp tại một số Điều chưa thống nhất, phù hợp với Luật Phòng, chống thiên tai.
Vì vậy, để khắc phục những bất cập, vướng mắc lớn phát sinh trong thực tiễn thi hành 02 Luật này và đảm bảo phù hợp, thống nhất với một số Luật khác thì việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều là cần thiết.
Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều gồm 03 Điều, trong đó: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Phòng, chống thiên tai. Điều này gồm 23 khoản, sửa đổi, bổ sung tại 19 Điều, bổ sung 03 Điều và sửa tên Chương IV của Luật Phòng, chống thiên tai; Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Đê điều. Điều này gồm 8 khoản, trong đó sửa đổi, bổ sung tại 8 Điều của Luật Đê điều; Điều 3 quy định về Điều khoản thi hành.
Đối với sửa đổi quy định về điều khoản thi hành, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, Dự luật sửa tên “Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai” thành “Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai” để phù hợp với mô hình các nước trong khu vực, thuận lợi trong hợp tác, hội nhập quốc tế tại Luật Phòng, chống thiên tai; Sửa tên “Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn” thành “Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn" để phù hợp với Quyết định 2050/QĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ tại Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Tài nguyên, môi trưởng biển và hải đảo; Sửa tên “Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn” thành “Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn” để phù hợp, thống nhất tên gọi từ trung ương xuống địa phương tại Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Thủy sản; Sửa tên “Ban chỉ đạo phòng chống lụt, bão trung ương” thành “Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai” tại Luật Đê điều; Sửa tên “Ban chỉ huy phòng chống lụt, bão” thành “Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn” tại Luật Đê điều.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Nguồn ảnh: Quochoi.vn
Trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban đã nghiên cứu Hồ sơ Dự án Luật và các tài liệu có liên quan; tổ chức 03 Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật này tại 03 miền Bắc, Trung, Nam; đồng thời, đã tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề về nội dung này ngay từ đầu năm 2019 và báo cáo Quốc hội ý kiến thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều như sau:
Về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật như Tờ trình của Chính phủ. Bên cạnh đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị bổ sung sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật lần này còn góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi để: Phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong Phòng, chống thiên tai; huy động nguồn lực đầu tư cho phòng, chống thiên tai và đê điều nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động của thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ của các chính phủ, cộng đồng quốc tế cho công tác phòng, chống thiên tai ở Việt Nam và thực hiện tốt cam kết, thỏa thuận quốc tế.
Về phạm vi sửa đổi của dự án Luật, qua nghiên cứu báo cáo tổng kết thực thi 02 Luật và giám sát thực tế việc thực thi chính sách pháp luật về Phòng chống thiên tai giai đoạn 2014 - 2018, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, cần được bổ sung các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng; huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt là nguồn lực tài chính từ khu vực doanh nghiệp cho công tác phòng chống thiên tai và quản lý đê điều; cơ chế khai thác lợi ích từ việc đầu tư xây dựng công trình phòng chống thiên tai, đê điều để đầu tư trở lại cho công tác phòng chống thiên tai; kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chuyên môn hóa nguồn nhân lực trong phòng chống thiên tai; Áp dụng khoa học - công nghệ trong phòng chống thiên tai và quản lý đê điều để tạo sự chủ động trong quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực cho phòng chống thiên tai …
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận sâu thêm về một số vấn đề: Các loại hình thiên tai, các công trình phòng chống thiên tai đề nghị bổ sung; quỹ phòng chống thiên tai ở trung ương; tài chính cho phòng chống thiên tai; sử dụng bãi nổi, cù lao nơi chưa có công trình xây dựng; xử lý công trình, nhà ở hiện có ở bãi nổi và cù lao; quy định về xây cầu qua sông có đê; đổi tên Ban chỉ đạo, chỉ huy về phòng chống thiên tai./.
PV