Ngày mai (05/11) Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thư viện
04/11/2019 09:14 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 04/01/2019, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ mười một tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XIV, ngày 04/11/2019
Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung phiên họp. Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe các báo cáo:
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019;
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2019;
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo trên.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về các báo cáo nêu trên. Về cơ bản, các ý kiến đại biểu thống nhất với nội dung báo cáo của Chính phủ, các cơ quan tư pháp và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Bên cạnh đó, để tiếp tục góp ý, hoàn thiện nội dung các báo cáo, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về những vấn đề sau:
- Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019, thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu đồng tình với báo cáo của Chính phủ. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số vấn đề sau: Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2019 (diễn biến, tính chất, đặc điểm mới của vi phạm pháp luật và tội phạm so với năm 2018; những vấn đề vi phạm pháp luật và tội phạm nổi lên mà dư luận xã hội, cử tri quan tâm); công tác dự báo về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trong thời gian tới; phân tích những hạn chế trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; nguyên nhân vi phạm pháp luật và các giải pháp khắc phục; việc chấp hành pháp luật trong công tác xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm trên các lĩnh vực, như tội phạm ma túy, giết người; xâm hại tình dục trẻ em, tham nhũng, buôn bán người, buôn lậu, tín dụng đen, tội phạm về môi trường, an toàn thực phẩm, công nghệ thông tin, gian lận thi cử, sản xuất hàng giả, trật tự an toàn giao thông,... Ngoài ra, một số đại biểu kiến nghị với Chính phủ cần tăng cường giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2020, như quan tâm đầu tư nguồn nhân lực, trang thiết bị trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy cho phù hợp với thực tiễn.
- Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, liên quan đến vấn đề này, về cơ bản các đại biểu tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng, trong năm 2019 với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng đã được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, qua đó tiếp tục khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đồng tình với Báo cáo của Chính phủ trong việc đánh giá tình hình tham nhũng hiện nay, đó là “Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm”. Tuy nhiên, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, “tham nhũng vặt” vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là ở cơ sở và chưa bị đẩy lùi, tham nhũng trong lực lượng có chức năng chống tham nhũng tăng so với năm 2018 gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng mới được Quốc hội thông qua, nhất là các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tổng kết, đánh giá, rà soát và đưa ra danh mục những quy định pháp luật còn thiếu, sơ hở, dễ bị lợi dụng để tham nhũng.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về: công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; công tác kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng; những bài học, kinh nghiệm từ các vụ án tham nhũng lớn về quản lý kinh tế, quản lý đất đai và việc xử lý nghiêm những tội phạm tham nhũng;...
- Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2019, các đại biểu đã cho ý kiến về: nâng cao chất lượng, hiệu quả xét xử, giải quyết các vụ việc của vụ án hình sự, hành chính, dân sự, yêu cầu áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của Tòa án Nhân dân các cấp; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; về kết quả, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, giải pháp khắc phục của hoạt động tòa án; về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho toàn hệ thống tòa án nhân dân (trong đó cần tập trung xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp cho nhân sự của Tòa án; bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Tòa án; nâng cao chất lượng tranh tụng...); vấn đề sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ.
- Về báo cáo công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2019, các đại biểu cho ý kiến về: Công tác xây dựng, hướng dẫn thi hành và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm; công tác đấu tranh, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế;...
- Báo cáo công tác thi hành án năm 2019, thảo luận tại Hội trường, các đại biểu cho ý kiến về nội dung sau: Công tác phối hợp, chỉ đạo tổ chức thi hành các bản án dân sự, nhất là thi hành các vụ án phức tạp, có giá trị tài sản lớn liên quan đến các tổ chức tín dụng; công tác cưỡng chế thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự; tình hình số lượng án dân sự tồn đọng qua nhiều năm chưa thi hành án; tình trạng phạm nhân vi phạm tại các cơ sở giam giữ, công tác quản lý, giáo dục đối với người hưởng án treo, người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ;...
Thứ ba, ngày 05/11/2019,
Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, tiếp tục thảo luận về các các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện, sau đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này./.
PV