Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng chính sách BHXH, BHYT
22/10/2019 02:28 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vừa qua, tại Yên Bái, Trung tâm Truyền thông, BHXH Việt Nam phối hợp với Trung tâm Thông tin Công tác Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Tọa đàm “Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng góp phần đưa chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT vào cuộc sống”.
Toàn cảnh Hội nghị
Báo cáo kết quả trong công tác tuyên truyền chính sách BHXH. BHYT trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Quốc Tuấn cho biết, trong những năm qua BHXH tỉnh Yên Bái đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện. Cùng với đó là sự phối hợp tích cực của các cơ quan, ban ngành đoàn thể và sự nỗ lực quyết tâm của cán bộ, công chức, viên chức BHXH trong công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Kết quả là: Đến hết tháng 9/2019, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng lên 52.933 người; phát triển 6.552 người (tăng 4.325 người so với cùng kỳ năm 2018) tham gia BHXH tự nguyện, vượt 104,7% kế hoạch BHXH Việt Nam giao; toàn tỉnh hiện có 42.194 người tham gia BH thất nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, những năm qua, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng còn một số hạn chế. Yên Bái là một tỉnh miền núi, địa hình phức tạp; có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống (trên 30 dân tộc); điều kiện kinh tế của tỉnh còn chậm phát triển, thu nhập người dân thấp… Vì vậy, việc triển khai công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cũng gặp không ít khó khăn, nhất là việc tuyên truyền, vận động người dân thuộc các dân tộc ít người, lao động tự do, người làm nông, lâm nghiệp… Đến nay, tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện của tỉnh mới chiếm 15% lực lượng lao động chưa thực sự tương xứng với tiềm năng.
Tại buổi Tọa đàm, đã có gần 20 ý kiến tham luận, trong đó, đề ra các giải pháp nhằm đưa chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình vào cuộc sống. Đa số các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, đặc biệt là hình thức tuyên truyền miệng, trực tiếp lắng nghe, tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của người dân, đồng bào tại vùng cao, vùng khó khăn góp phần nâng cao nhận thức về chính sách BHXH, BHYT để người dân tự giác tham gia./.
Mai Hiên