Thực hiện Luật Bình đẳng giới góp phần đảm bảo an sinh xã hội
18/10/2019 05:04 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 17/10, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới (BĐG). Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung và Chủ tịch TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đồng chủ trì Hội nghị.
Luật Bình đẳng giới (BĐG) được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Thời gian qua, Luật BĐG đã được các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương tổ chức triển khai thi hành, góp phần bảo đảm thi hành tốt quyền con người, quyền công dân, đảm bảo an sinh xã hội và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Quang cảnh Hội nghị
Nhiều kết quả tích cực
Theo báo cáo tại hội nghị: Trong 10 năm qua, Luật BĐG đã và đang được triển khai khá đồng bộ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp. Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách từng bước được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc BĐG, tạo tiền đề cho việc thúc đẩy xã hội phát triển bền vững. Bên cạnh đó, kết quả BĐG trong một số lĩnh vực được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Qua 10 năm thi hành Luật BĐG, tỷ lệ nữ tham gia chính trị tại tất cả các cấp đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ nữ Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên BCH TW Đảng tăng trong 03 nhiệm kỳ liên tiếp. Lần đầu tiên có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và HĐND đều tăng so với nhiệm kỳ 2007 - 2011. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của Châu Á. Tính đến 2017 có 13/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 16/63 tỉnh, thành phố có nữ lãnh đạo chủ chốt.
Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ và vẫn còn nhiều rào cản để phụ nữ tham gia nhiều hơn trong lĩnh vực này. Khác biệt trong độ tuổi nghỉ hưu đang tạo ra rào cản trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ. Việc mở rộng tuổi nghỉ hưu chỉ quy định được đối với Thứ trưởng và tương đương trở lên. Bên cạnh đó, công tác cán bộ nữ chưa được quan tâm thực chất, tại nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện quy hoạch nhưng chưa thực hiện đào tạo và bố trí cán bộ nữ.
Theo số liệu của Bộ LĐ-TBXH, qua 10 năm thi hành Luật BĐG, trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng từ 4% năm 2009 tới năm 2017 đạt 27,8% (trong đó tại thành thị là 33,2% và tại nông thôn là 20,1%), cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân và xếp thứ 7/54 trong số các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ. Trong lĩnh vực lao động, tỷ lệ lao động nam và nữ tham gia thị trường lao động luôn giữ ở mức khá ổn định, trong đó nữ từ khoảng 48%.
Các quy định về BĐG trong lĩnh vực gia đình đã được lồng ghép trong các luật chuyên ngành, cụ thể như Luật Đất đai 2013, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, Luật Trẻ em năm 2016...
Tuy nhiên, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Định kiến về vai trò của nam và nữ trong gia đình và xã hội tạo gánh nặng cho cả phụ nữ và nam giới. Tâm lý ưa thích con trai dẫn đến tình trạng gia tăng tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh và tình trạng nạo phá thai lựa chọn giới tính.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà, bên cạnh thành tựu đã đạt được, trong quá trình triển khai thi hành Luật BĐG vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Các quy định trong Luật BĐG còn chung chung, mang tính định hướng, khó triển khai trong thực tiễn, có quy định đến nay vẫn chưa thể hướng dẫn thi hành. Chưa có sự thống nhất giữa Luật BĐG và các luật chuyên ngành; Việc thực hiện các quy định về lồng ghép vấn đề BĐG chưa được đầu tư thỏa đáng. Thiếu quy trình thống nhất hướng dẫn việc lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật v.v…
Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức
Để thực thi Luật BĐG hiệu quả hơn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về BĐG của các cấp, các ngành và ngay chính với bản thân người phụ nữ, nam giới là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất cho sự thành công. Thực hiện lồng ghép giới vào các hoạt động, chương trình, dự án, đề án của ngành, đơn vị, địa phương; lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù về BĐG cho các nhóm đối tượng phụ nữ như nhà khoa học, lãnh đạo quản lý, phụ nữ nghèo, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi...
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng cho biết, đã đề xuất các kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Viện kiểm soát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao trong việc tăng cường hoạt động giám sát thực hiện pháp luật, chính sách về BĐG; trong các hoạt động thẩm tra, giám sát lồng ghép giới trong xây dựng các luật chuyên ngành và phân bổ ngân sách có trách nhiệm giới; nghiên cứu xây dựng và thực hiện chương trình, đề án nhằm giảm khoảng cách giới trong một số ngành, lĩnh vực đang tồn tại bất BĐG; phối hợp chặt chẽ hoạt động truy tố, xét xử; kịp thời truy tố, xét xử đối với những tội phạm bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; trong nghiên cứu, các văn bản hướng dẫn làm cơ sở cho công tác điều tra, xét xử được kịp thời, nghiêm minh tội phạm bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, từ khi Luật BĐG được Quốc hội thông qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã xây dựng và hoàn thiện tương đối đồng bộ để trên cơ sở đó từng bước đưa vấn đề giới vào cuộc sống. Từ đó các cấp ủy, bộ, ngành, chính quyền địa phương từng bước thực thi trách nhiệm của mình.
Trước một số tồn tại và những chỉ tiêu khó đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Văn phòng Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam rà soát lại các chỉ tiêu về BĐG và có các viện pháp thúc đẩy nên không đạt./.
NH