30 năm nữa Việt Nam thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ
11/10/2019 11:11 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là thông tin vừa được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cung cấp cho báo chí nhân ngày quốc tế trẻ em gái 11/10 với chủ đề: “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”.
Báo động mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam. Ảnh nguồn internet
Theo đó, tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta hiện dao động quanh ngưỡng 114,8 bé trai/100 bé gái. Trong đó, tỉnh Lạng Sơn có tỷ lệ chênh lệch cao nhất cả nước là 116,3 bé trai/100 bé gái. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn đang có xu hướng gia tăng ở cả nông thôn và thành thị.
Bà Trần Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, mất cân bằng giới tính khi sinh ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn tới việc thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ.
Mất cân bằng giới tính có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của đất nước và ảnh hưởng đến cuộc sống của nữ giới, nam giới và cộng đồng; tạo ra những hậu quả lâu dài về mặt xã hội và nhân khẩu học như gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm; làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất bình đẳng, ly hôn; bất ổn xã hội, suy giảm sức khỏe, sức khỏe sinh sản do những thất vọng về mặt xã hội và tình dục ở nam giới…
Hiện tại, Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã triển khai một số biện pháp tại cộng đồng, nhằm huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân vào việc giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Hiện đã có 59/63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án của Chính phủ về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025 của địa phương nhằm tích cực triển khai các hoạt động can thiệp để kiềm chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. /.
PV