Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công
24/09/2019 09:58 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh bảo đảm các chức năng theo quy định, kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia và sớm ban hành quy chế quản lý, vận hành các hệ thống này.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Ảnh VGP
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao vai trò của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành, địa phương, Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử; hoan nghênh sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước đã sẵn sàng tiếp cận, thử nghiệm các công nghệ tiên tiến trên thế giới để áp dụng triển khai các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử và sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các tổ chức, chuyên gia trong nước, quốc tế.
Với quyết tâm cao cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức và quá trình triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh và phát huy hơn nữa tinh thần khẩn trương, hành động quyết liệt xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ giao các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ.
Cụ thể, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chỉ đạo Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo, xem xét, quyết định các vấn đề, công việc thường xuyên của Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, trực tiếp chỉ đạo hoạt động toàn diện của Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban xem xét, giải quyết những vấn đề lớn và quan trọng. Chủ trì phiên họp Uỷ ban trong tháng 11 năm 2019 để đánh giá kết quả triển khai xây dựng Chính phủ điện tử trước khi thực hiện sơ kết Nghị quyết số 17/NQ-CP vào tháng 12 năm 2019.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020; chỉ đạo hoàn thiện Đề án về giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin tại các Bộ, ngành, địa phương.
Các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 17/NQ-CP và Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử 6 tháng cuối năm 2019, đặc biệt cần khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ đã quá hạn. Các Ban Chỉ đạo cần phát huy vai trò chỉ đạo, điều phối việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử tại Bộ, ngành, địa phương mình; kịp thời tham mưu, đề xuất Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương các giải pháp thúc đẩy việc triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, hiệu quả.
Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh bảo đảm các chức năng theo quy định, kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia và sớm ban hành quy chế quản lý, vận hành các hệ thống này. Đồng thời, rà soát quy trình, hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính để thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo các danh mục Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt giai đoạn 2017-2019, ưu tiên làm trước các dịch vụ công thiết yếu và nâng cấp chất lượng dịch vụ đang cung cấp theo hướng thân thiện với người dùng. Chủ động nghiên cứu giải pháp, số hoá giấy tờ và thực hiện chuẩn hoá cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính của Bộ, ngành, địa phương mình trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
Văn phòng Chính phủ làm đúng theo chức năng nhiệm vụ được giao, không làm thay chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tập trung nguồn lực xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia và đưa vào vận hành trong tháng 11 năm 2019; trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trong tháng 12 năm 2019.
Bộ Thông tin và Truyền thông phát huy vai trò, chức năng quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử. Hàng năm chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban đánh giá rủi ro và đề xuất giải pháp giảm thiểu rủi ro trong quá trình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử và Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phù hợp với thực tiễn, thuận lợi khi triển khai, trình Chính phủ trong tháng 9 năm 2019. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc quản trị dữ liệu, xây dựng chiến lược quốc gia về quản trị dữ liệu, quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong quản trị, khai thác dữ liệu… để bảo đảm dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng cho chuyển đổi số và nền kinh tế số.
Đồng thời, xây dựng danh sách các nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử và phương án đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin để triển khai các hạng mục này, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2019; chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Quy chế phối hợp trong hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên mạng phù hợp với tình hình thực tiễn, hoàn thành trong năm 2019.
Bộ Công an tập trung xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ trong quý I năm 2020 và sớm trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về bảo đảm an ninh mạng trong xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử. Ưu tiên và huy động các nguồn lực hợp pháp trong triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Huy động nguồn lực để triển khai các dự án xây dựng Chính phủ điện tử
Bộ Nội vụ tập trung xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 8/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư, trình Chính phủ trong tháng 9 năm 2019. Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp huy động nguồn lực để triển khai các dự án xây dựng Chính phủ điện tử.
Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương; thường xuyên theo dõi, đôn đốc Bộ, ngành, địa phương thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử. Kịp thời báo cáo, tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý các trường hợp chậm triển khai.
Về vấn đề an toàn, an ninh mạng, người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng, tài chính nhà nước thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 7/6/ 2019 về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam.
Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử; giám sát nghiêm ngặt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin về vấn đề an toàn thông tin, an ninh mạng, không được để lộ lọt dữ liệu, bí mật nhà nước. Ngược lại, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản hệ thống thông tin về công tác này./.
PV