Đề xuất giảm giờ làm việc để NLĐ có thời gian nghỉ ngơi
17/07/2019 02:24 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cho rằng nên giảm thời giờ làm việc xuống còn 40-44 giờ/tuần và khống chế làm thêm 12 giờ/tuần thay vì quy định làm thêm 400 giờ/năm như trong dự thảo.
Các đại biểu đề nghị dự thảo Luật lao động sửa đổi nên khống chế thời gian làm thêm giờ tối đa 12 giờ/tuần. Ảnh minh hoạ.
Theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), khung thời gian làm thêm được quy định tối đa là 400 giờ/năm. Không đồng tình với nội dung này, ông Võ Văn Hùng, đại diện cho hơn 20.000 lao động của Công ty Hansae Việt Nam lý giải, nếu quy định tối đa là 400 giờ/năm thì có khi chỉ trong mấy tháng cao điểm, người lao động (NLĐ) đã làm thêm đủ số giờ cho một năm. Như vậy, sức khỏe NLĐ sẽ không thể đảm bảo, cũng không còn thời gian lo cho bản thân và gia đình. Ông Võ Văn Hùng đề nghị, Luật chỉ nên quy định theo thông lệ quốc tế là làm thêm tối đa 10-12 giờ/tuần.
Đồng tình với ý kiến này, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho rằng, việc khống chế thời gian khung giờ tối đa theo tháng là không hợp lý. Nên quy định thời gian làm thêm giờ tối đa 12 giờ/tuần và tính lương làm thêm theo lũy tiến, 2 giờ đầu tính một mức, 2 giờ sau tính tăng thêm.
Cũng theo ông Tùng, đã đến lúc phải giảm thời giờ làm việc của người lao động Việt Nam. Hiện nay, các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ đã giảm giờ làm việc trong tuần của NLĐ xuống còn 40 giờ, Singapore 44 giờ. Do đó, dự thảo Luật nên quy định cụ thể, thời giờ làm việc của NLĐ giảm từ 48 giờ/tuần xuống còn 40 hoặc 44 giờ để NLĐ có thời gian nghỉ ngơi.
Tại hội nghị, các đại biểu còn trao đổi các ý kiến về tuổi nghỉ hưu, hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động, tiền lương, đình công, chế độ đối với lao động nữ… Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết các ý kiến sẽ được xem xét khách quan để sớm có Bộ Luật Lao động hoàn chỉnh./.
PV (t/h)