Việt Nam là 01 trong số 08 nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất
11/07/2019 04:22 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp tại Hội thảo công bố Bản tin thị trường lao động Việt Nam số 21 (quý I/2019). Theo đó, quý I/2019, cả nước có 1.059 nghìn người trong độ tuổi thất nghiệp, giảm 3,28 nghìn người so với quý IV/2018 và giảm 7,98 nghìn người so với quý I/2018.
Quang cảnh hội thảo.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh nhất ở nhóm có trình độ cao đẳng (giảm 0,82 điểm phần trăm so với quý IV/2018 và 1,17 điểm phần trăm so với quý I/2018). Các nhóm còn lại mức độ giảm không nhiều, số người thất nghiệp có trình độ cao đẳng là hơn 65.000 người, trung cấp là 52.700 người, đại học là hơn 124.000 người. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định, hơn 1 triệu lao động thất nghiệp (2,17%) tại Việt Nam là thấp so với các thị trường lao động như Singapore, Mỹ, thậm chí, Việt Nam là 1 trong số 8 nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất.
Theo Bản tin thị trường lao động Việt Nam số 21, trong quý I/2019, thị trường lao động tiếp tục được cải thiện. Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất (0,02%); tiếp đến là vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên lần lượt là 2,64%, 2,43%, 1,68% và 1,27%; tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (2,79%). Về việc làm, trong quý I/2019, số người có việc làm là 54,32 triệu người, giảm 207,71 nghìn người (0,38%) so với quý IV/2018 nhưng vẫn tăng 329,75 nghìn người (0,61%) so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng người có việc làm là nữ chiếm 47,75% (tăng 0,14 điểm phần trăm so với quý IV/2018); khu vực thành thị chiếm 33,02% tổng số người đang làm việc (tăng 0,27% điểm phần trăm so với quý VI/2018). Số lượng và tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục giảm, cả nước có 19,30 triệu người đang làm việc trong khu vực này, giảm 620 nghìn so với quý IV/2018 và 1,52 triệu người so với cùng kỳ năm 2018.
Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Đào Quanh Vinh cho biết, hai ngành có số lao động tăng nhiều nhất so với quý IV/2018 và cùng kỳ năm 2018 là công nghiệp chế biến, chế tạo và vận tải, kho bãi. Hai ngành có số lao động giảm nhiều nhất cả hai kỳ so sánh là nông lâm thủy sản và giáo dục - đào tạo. Quý I/2019, tổng thu nhập bình quân tháng từ tất cả các công việc của lao động làm công hưởng lương đạt 6,94 triệu đồng. So với quý trước và cùng kỳ năm 2018, mức thu nhập này tăng ở hầu hết các nhóm, trong đó, cao nhất là nhóm có trình độ sơ cấp (tăng 1,4 triệu đồng so với quý IV/2018). Đặc biệt, tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong quý I/2019 giảm đáng kể.
Về thu nhập của nhóm có trình độ đại học trở lên cao nhất, cao hơn nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ (4,65 triệu đồng), thu nhập của lao động làm công hưởng lương từ công việc chính đạt bình quân 6,82 triệu đồng/tháng, tăng 944.000 đồng. Xét theo ngành nghề, thu nhập bình quân tháng từ công việc chính cao nhất là ngành dịch vụ 7,11 triệu đồng, thu nhập bình quân tháng từ công việc chính cao nhất là quản lý (10,2 triệu đồng).
Dự báo quý IV/2019, tổng số việc làm sẽ đạt 54,58 triệu, tăng 262 nghìn người (tăng 0,48% so với quý I/2019 và tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2018). Một số ngành dự kiến có nhu cầu lao động tăng như: Chế biến, chế tạo (87.000 người); xây dựng (340.000 người), bán buôn bán lẻ (300.000 người). Bên cạnh đó, một số ngành có nhu cầu lao động giảm như: Nông, lâm, thủy sản (giảm khoảng 200.000 người), khai khoáng (giảm 9.000 người), tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (giảm 80.000 người)./.
PV