TP.Hồ Chí Minh: Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 62% người lao động tham gia BHXH
05/07/2019 04:02 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
UBND TP.Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH trên địa bàn.
Tích cực đổi mới công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Ảnh: Nguồn BHXH TP.Hồ Chí Minh
Theo đó, TP.Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 53% lực lượng lao động tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; 51% lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp; có ít nhất 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 90%.
Đến năm 2025, phấn đấu có khoảng 57% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; có khoảng 53% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp; có ít nhất 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 95%.
Đến năm 2030, phấn đấu có khoảng 62% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; có khoảng 57% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH thất nghiệp; có ít nhất 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 98%.
Để thực hiện mục tiêu trên, TP.Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp như: Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH; đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, chú trọng nhóm đối tượng BHXH tự nguyện, BHYT theo hộ gia đình. Tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phòng, chống lạm dụng trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động, kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật.
Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; cập nhật thông tin không chỉ đối tượng tham gia BHXH, BHYT mà mở rộng theo dõi tình hình tăng, giảm, biến động 100% dân số Thành phố; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; từng bước thực hiện việc thay thế sổ BHXH, thẻ BHYT bằng thẻ điện tử. Chủ động nghiên cứu, đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp phù hợp với thực tiễn.../.
PV