Đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững BHYT
26/06/2019 10:56 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hướng tới kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7, chiều 25/6, Cồng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT”.
Tham dự buổi tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, việc thực hiện chính sách BHYT tuân theo nguyên tắc quản lý và chia sẻ rủi ro. Đặc biệt, việc quản lý rủi ro trong lĩnh vực y tế có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và tầm quan trọng rất lớn. Trong bối cảnh hiện nay, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ thì nhu cầu được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân là rất lớn và chính đáng. “Việc tham gia BHYT sẽ là “phao cứu sinh” giúp đỡ cho người dân thoát khỏi “bẫy nghèo y tế”, nếu không may bị mắc bệnh”.
Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn thông tin, tính đến tháng 5/2019, cả nước có 84,5 triệu người dân tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 89% dân số. Đáng chú ý, diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế, như: Nhóm người lao động đã tham gia BHYT đạt hơn 90%; nhóm hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội đạt 100% (khoảng 3,1 triệu người); nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ như hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên đạt xấp xỉ 100% và trên 17 triệu người tham gia theo hình thức hộ gia đình.
Bên cạnh đó, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp cùng ngành Y tế triển khai lập hồ sơ sức khỏe, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính cho người dân tại các tuyến y tế cơ sở. Đồng thời, việc thực hiện Nghị định 146 đã mở rộng cơ chế tài chính, đáp ứng đủ nguồn lực cơ bản phục vụ cho y tế cấp xã, huyện đảm nhiệm chức năng quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân nói chung và cho người có thẻ BHYT nói riêng.
Về mục tiêu phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, BHXH Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT; đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền gần gũi, phù hợp với từng nhóm đối tượng theo địa lý, trình độ, văn hóa, kinh tế xã hội. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của BHXH Việt Nam; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng hệ thống đại lý thu để người dân tham gia BHYT thuận lợi. Đề xuất nghiên cứu tăng hỗ trợ mức đóng đối với một số nhóm đối tượng đặc biệt. Tăng cường tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra việc thu đóng BHYT đối với các doanh nghiệp để ngăn ngừa tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT, ảnh hưởng đến quyền lợi KCB BHYT của người lao động. Tăng cường công tác giám định BHYT; bảo vệ quyền lợi của người bệnh; ngăn ngừa và phòng trống các hành vi lạm dụng, trục lợi BHYT; đảm bảo cân đối quỹ BHYT trong năm. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện… Với những giải pháp đó, BHXH Việt Nam phấn đấu, hết năm 2019, toàn quốc sẽ đạt tỷ lệ 90% dân số tham gia BHYT, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao./.
PV