Kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực
06/05/2019 05:03 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/CP, 02-NQ/CP của Chính phủ, 04 tháng đầu năm 2019, các nhiệm vụ đề ra đang được triển khai đúng hướng; tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực; môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh không ngừng được cải thiện.
Xuất khẩu đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ là những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội 04 tháng đầu năm. (Ảnh minh họa. Nguồn: VGP)
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, tín dụng và tỷ giá tương đối ổn định, tăng trưởng tín dụng tăng 3,23% so với cuối năm 2018. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2%.
Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng khá, thị trường giá cả ổn định, bảo đảm việc cân đối cung cầu các loại vật tư quan trọng và hàng tiêu dùng thiết yếu. Khách du lịch nội địa tăng mạnh trong tháng do kỳ nghỉ lễ kéo dài.
Cả nước có trên 43 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 540 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% về số doanh nghiệp và tăng 31,7% vốn đăng ký. Ngoài ra, còn có trên 17 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 52,6% so với cùng kỳ.
Vốn FDI đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5%. Tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt gần 7,5 tỷ USD, tăng 28,6%. Góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 7,14 tỷ USD, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ. Xuất khẩu đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước duy trì tiến độ khả quan, chi ngân sách đáp ứng kịp thời các yêu cầu đầu tư phát triển, chi trả nợ, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn một số khó khăn, thách thức và tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới.
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chủ động theo dõi diễn biến tình hình quốc tế và trong nước; nghiên cứu tình hình thương mại thế giới, phân tích kỹ xu hướng để đề xuất các giải pháp mang tính chiến lược phù hợp với những kịch bản, diễn biến mới.
Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh chăn nuôi, nhất là dịch tả lợn châu Phi; theo dõi sát sao tình hình sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là trong công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu; đề xuất giải pháp tạo bước phát triển mới, mang tính đột phá đối với ngành du lịch cả về lượng, chất…
PV