Nâng cao năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe người lao động
24/04/2019 01:04 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trên cả nước hiện mới chỉ có 33 phòng khám bệnh nghề nghiệp trên 17 tỉnh/ thành phố trong khi tỷ lệ các bệnh nghề nghiệp đang ngày càng tăng.
Công nhân tại TP. Hồ Chí Minh được khám bệnh miễn phí. Ảnh minh họa, nguồn Internet
Tại Hội nghị “Triển khai công tác chỉ đạo tuyến, triển khai tháng hành động vì an toàn vệ sinh lao động” Hưởng ứng chương trình Sức khỏe Việt Nam với chủ đề “Khỏe để lao động sản xuất tốt hơn” do Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế vừa tổ chức tại Hà Nội, Viện trưởng Doãn Ngọc Hải cho biết, theo thống kê, trong năm 2018 có 9.500 cơ sở lao động được thanh kiểm tra trên toàn quốc, trong đó trên 50% là các cơ sở có yếu tố hại, nguy hiểm có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Kết quả quan trắc năm 2018, các yếu tố có hại như: Vi khí hậu, bụi, ồn, ánh sáng, hơi khí độc... đều vượt tỷ lệ tiêu chuẩn cho phép, trong khi đó 72,63% người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại, nguy hiểm. Các bệnh thường gặp ở người lao động là viêm xoang, dạ dày, bệnh mắt, bệnh phụ khoa, hen phế quản, tim mạch... Trong khi nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về phòng chống các bệnh nghề nghiệp còn hạn chế.
Theo thống kê của Viện sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường, trong tổng số hơn 2 triệu người lao động được khám sức khoẻ định kỳ năm 2018, số người lao động đạt sức khoẻ loại I và II chiếm 70%, tỷ lệ sức khoẻ loại III đạt gần 22%, còn là sức khoẻ loại yếu.
Cũng nhờ khám bệnh nghề nghiệp, cơ quan chức năng liên quan đã tiến hành giám định được 931 trường hợp, trong đó có 113 trường hợp bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp 1 lần và 768 trường hợp được hưởng trợ cấp thường xuyên.
Hội nghị cũng đã được nghe các báo cáo về kết quả chỉ đạo tuyến năm 2018 của Viện; Thực trạng quan tắc môi trường lao động và khám sức khỏe cho người lao động, giải pháp cải thiện; báo cáo tham luận của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh và Vĩnh Phúc. Qua đó chia sẻ kinh nghiệm để phối hợp có hiệu quả nhằm nâng cao năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe người lao động, kiểm soát bệnh nghề nghiệp, bệnh không lây nhiễm.
Bên cạnh việc chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay và cùng tìm các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh kỹ thuật chuyên ngành, triển khai tốt hơn nữa công tác sức khỏe nghề nghiệp, vệ sinh môi trường, sức khỏe trường học, cùng chung tay Hưởng ứng “Chương trình Sức khỏe Việt Nam - khỏe để lao động sản xuất tốt hơn” do Thủ tướng chính phủ và Bộ Y tế phát động để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các ngành công nghiệp phát triển mạnh, ô nhiễm môi trường gia tăng cùng với các bệnh nghề nghiệp phát sinh trong quá trình sản xuất, yêu cầu về nâng cao năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe người lao động là hết sức cần thiết./.
PV