Phải có cảnh báo sớm và đưa các DN nợ lương, nợ BHXH vào diện cần giám sát
20/04/2019 02:24 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là kiến nghị của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN, theo Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, ông Lê Trọng Hiếu - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM cho biết, số lượng doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM phát triển ngày càng nhanh và hoạt động ổn định; đa số DN tích cực chăm lo cho đời sống NLĐ. Trong 10 năm qua, TP.HCM luôn chú trọng triển khai các mô hình chăm lo đời sống NLĐ. Qua đó, đã chăm lo cho hơn 2,4 triệu lượt NLĐ với kinh phí gần 428 tỉ đồng; hỗ trợ và cấp vốn cho gần 1,5 triệu lượt NLĐ với trên 15.000 tỉ đồng. TP.HCM cũng tích cực hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho NLĐ, nhất là tham gia giải quyết nhằm kéo giảm đáng kể các vụ việc tranh chấp lao động về lương, BHXH...
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận DN chưa chấp hành đúng pháp luật lao động, khiến quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng. Đáng chú ý có một số DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kinh doanh thua lỗ, dẫn đến nợ lương, nợ BHXH...
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đánh giá cao cách làm hiệu quả, sáng tạo của TP.HCM trong việc triển khai Chỉ thị số 22-CT/TW. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật về lao động được nâng lên, giảm thiểu các vụ tranh chấp lao động. Đặc biệt, khi có tranh chấp xảy ra, thì nhanh chóng được xử lý, không dẫn tới gay gắt, gây mất ổn định chính trị-xã hội...
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, việc xử lý các trường hợp tranh chấp, nhất là các vụ việc DN nợ lương, nợ BHXH hoặc chủ DN bỏ trốn là vấn đề khó, vì về nguyên lý của bảo hiểm là "có đóng - có hưởng". Cần phải có cảnh báo sớm và đưa các DN nợ lương, nợ BHXH vào diện cần giám sát, nhằm có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Ngoài ra, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho biết, sắp tới, khi thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương, Nhà nước chỉ quy định tiền lương tối thiểu; còn chính sách tiền lương của DN (thang lương, bảng lương, thời hạn nâng lương) sẽ do DN và NLĐ thỏa thuận.
Được biết, BHXH TP. HCM vừa có văn bản gửi Công an Thành phố danh sách 10 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng BHXH trong thời gian dài để đề nghị xử lý theo quy định pháp luật.
Theo Giám đốc BHXH TP. HCM Phan Văn Mến, đây là các doanh nghiệp nằm trong danh sách BHXH TP tiến hành thanh tra năm 2018, có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và kết luận thanh tra nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục, tiếp tục nợ quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Chiếu theo quy định pháp luật, các doanh nghiệp này đã có dấu hiệu vi phạm Điều 126 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH14 ngày 27/11/2015 (đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung số 12/2017/QH14 ngày 20/06/2017) quy định về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động. Việc chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn xậm phạm nghiêm trọng quyền lợi của người lao động.
10 DN BHXH TP đề nghị Công an TP xử lý bao gồm: Công ty CP Tư vấn TM Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Q.Phú Nhuận) nợ hơn 9,2 tỷ đồng; Công ty CP Sản xuất giày Thượng Thăng (huyện Bình Chánh, TP. HCM nợ hơn 9,8 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng Công nghiệp (Descon) nợ hơn 12,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp khác như Công ty TNHH MTV Cơ khí Hùng Dũng (huyện Hóc Môn), Công ty TNHH SX & TM Đỉnh Phong (Q.Bình Tân), Công ty TNHH Đầu tư SX Hà Nam (Q.Bình Thạnh), Công ty TNHH XD TM Lục Giác (Q.Bình Thạnh), Công ty CP Đầu tư Xây dựng Kinh doanh nhà Thái Sơn (Q.10), Công ty CP BYS (Q.Tân Bình), Công ty CP Đầu tư & Xây dựng Công trình Miền Đông (Q.Thủ Đức).
Năm 2019, BHXH TP.HCM tiếp tục tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật BHXH, BHYT,… để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động./.
PV (t/h)