Bộ Y tế: Tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT
08/03/2019 05:13 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ Y tế vừa ban hành Kế hoạch số 227/KH-BYT triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán BHYT năm 2019.
Kế hoạch đặt mục tiêu chung tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả tin học hóa trong quản lý khám, chữa bệnh BHYT nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về khám, chữa bệnh BHYT, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý, giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Ảnh minh họa, nguồn Internet.
Trên cơ sở các mục tiêu chung, Kế hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện ứng dụng CNTT trong quản lý khám, chữa bệnh và giám định BHYT; xây dựng cơ chế tài chính đáp ứng việc tin học hóa phục vụ quản lý khám, chữa bệnh, giám định BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT; xây dựng phần mềm ứng dụng phân tích, báo cáo thống kê dữ liệu liên quan đến chi phí khám, chữa bệnh BHYT để phục vụ công tác quản lý, điều hành được kịp thời, có hiệu quả; tập trung trọng tâm vào việc kiểm tra, giám sát tại các địa phương, đơn vị, đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực cán bộ của các khoa, phòng liên quan đến việc triển khai tin học hóa trong khám, chữa bệnh BHYT; tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc kết nối, liên thông dữ liệu điện tử để phục vụ quản lý thông tuyến và giám định điện tử.
Bộ Y tế cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm sẽ phải thực hiện trong năm 2019. Cụ thể, trong công tác chỉ đạo, điều hành, sẽ tiếp tục rà soát ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh BHYT, bao gồm Bộ mã DMDC (phiên bản tiếp theo); Quyết định và Hướng dẫn thực hiện quy định về dữ liệu đầu ra; Quy định Định mức thuê dịch vụ CNTT làm cơ sở để các bên liên quan thực hiện thuê dịch vụ CNTT theo chỉ đạo của Chính phủ; tổ chức Hội nghị tổng kết để đánh giá, chỉ đạo việc ứng dụng CNTT phục vụ quản lý khám, chữa bệnh và giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Trong công tác hỗ trợ, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, nâng cao năng lực quản lý, triển khai ứng dụng CNTT phục vụ quản lý khám, chữa bệnh BHYT và giám định, thanh toán BHYT tại một số tỉnh, thành và cơ sở khám, chữa bệnh, tiếp tục duy trì nhóm Skype hỗ trợ, giải đáp thắc mắc trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện; hỗ trợ trực tiếp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong kết nối, liên thông dữ liệu điện tử khám, chữa bệnh BHYT thông qua kiểm tra, giám sát tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ sở khám, chữa bệnh BHYT; xây dựng nội dung, kế hoạch, tổ chức một số lớp đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, nâng cao năng lực triển khai ứng dụng CNTT phục vụ quản lý khám, chữa bệnh và giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ sở khám, chữa bệnh BHYT.
Trong công tác kiểm tra, giám sát, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh BHYT tại địa phương, các cơ sở khám, chữa bệnh ở tất cả các khâu liên quan đến việc trích chuyển dữ liệu, kết nối, liên thông dữ liệu, bảo đảm đúng quy định, yêu cầu, chất lượng và kế hoạch đề ra; tiếp nhận, giải quyết các phản ánh về chất lượng dịch vụ CNTT (truy cập dữ liệu thẻ BHYT, kiểm tra thông tuyến...) và một số khó khăn, vướng mắc, bất cập khác thông qua các kênh thông tin (Skype, văn bản, email...); thông qua kết quả kiểm tra, giám sát và cảnh báo của Hệ thống Thông tin giám định BHYT của cơ quan BHXH để kiến nghị Bộ Y tế kiểm tra thực hiện chính sách, pháp luật về khám, chữa bệnh BHYT, nhằm phòng chống gian lận, trục lợi Quỹ BHYT.
Ngoài ra, trong thực hiện việc kết nối, liên thông dữ liệu điện tử để phục vụ quản lý thông tuyến và giám định điện tử, bảo đảm thực hiện gửi dữ liệu điện tử từ cơ sở khám, chữa bệnh BHYT đến Cổng Tiếp nhận dữ liệu được đầy đủ, thường xuyên, liên tục để phục vụ quản lý thông tuyến, giám định điện tử theo quy định. Trong đó, cần đạt tỷ lệ gửi hồ sơ đúng ngày ít nhất 90% đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và tuyến Trung ương; đạt tỷ lệ gửi hồ sơ đúng ngày 100% đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã (trừ các đơn vị không có/không đủ điều kiện về hạ tầng CNTT)./.
PV