Hoàn thiện cơ chế, luật pháp về lao động tiền lương và BHXH
18/01/2019 04:19 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành ngày 15/01.
Việc phát huy các nguồn lực còn hạn chế
Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ, thời gian qua, việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế bao gồm: Nhân lực, vật lực và tài lực đã có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước. Nguồn nhân lực dồi dào; con người Việt Nam có tinh thần yêu nước, cần cù, sáng tạo; trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên đã đáp ứng cơ bản nhu cầu của thị trường lao động. Lực lượng lao động có sự chuyển dịch nhanh từ khu vực nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy các nguồn lực hiện còn hạn chế, bất cập; việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực chưa hợp lý, hiệu quả chưa cao, nhiều trường hợp chưa theo cơ chế thị trường, gây lãng phí và làm cạn kiệt nguồn lực của đất nước. Chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung còn thấp, cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo còn bất hợp lý, thiếu hụt nhân lực là kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao, trình độ ngoại ngữ hạn chế, thiếu các kỹ năng mềm. Kết nối cung - cầu trên thị trường lao động còn nhiều bất cập.
Tình trạng thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ hoặc không phù hợp giữa công việc và trình độ đào tạo còn khá phổ biến. Chất lượng việc làm thấp, việc làm phi chính thức chiếm tỉ trọng cao. Năng suất lao động thấp so với các nước trong khu vực. Việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa hiệu quả. Diện tích đất sử dụng kém hiệu quả hoặc chưa sử dụng còn lớn; nhiều địa phương buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng đất bị hoang hoá, bị lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và gây thất thu ngân sách nhà nước.
Đầu tư vào kết cấu hạ tầng còn dựa nhiều vào ngân sách nhà nước; hoạt động xã hội hoá, thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế. Khung khổ pháp lý còn thiếu, chưa đồng bộ; việc quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở hạ tầng còn bất cập. Hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính, tiền tệ chưa cao: Cân đối chi chưa gắn kết chặt chẽ với khả năng thu từ nền kinh tế; việc phân bổ các nguồn lực còn dàn trải, lãng phí; ứng chi và nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn; bội chi ngân sách ở mức cao, nguồn lực dự trữ quốc gia còn hạn chế. Quản lý, sử dụng tài sản công còn kém hiệu quả, lãng phí, thất thoát. Nợ xấu tuy đã được xử lý một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Việc dự báo, cân đối và quản lý quỹ BHXH, BHYT chưa tốt.
Nhiều giải pháp được đưa ra
Nghị quyết số 39-NQ/TW đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tiến tới trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết số 39-NQ/TW cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể đối với nguồn nhân lực, nguồn vật lực, nguồn tài lực đến năm 2025, 2035 và 2045. Để thực hiện các mục tiêu này, bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với từng nguồn lực, Bộ Chính trị cũng đề ra 06 nhiệm vụ, giải pháp chung. Trong đó:
Đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, vốn đầu tư và lao động sang sử dụng tổng hợp, có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của nền kinh tế.
Chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trước mắt cần nghiên cứu thấu đáo nội hàm, phương thức vận hành và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cụ thể vào một số ngành, lĩnh vực, địa bàn để chủ động hội nhập và hoà chung vào dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp này.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ thông tin về các nguồn lực trong nền kinh tế để sử dụng tối ưu và hiệu quả; phân phối, chia sẻ và tái sử dụng có hiệu quả các nguồn lực dư thừa, làm gia tăng giá trị các nguồn lực của nền kinh tế.
Đối với nguồn nhân lực:
Tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức, thực hiện tốt chủ trương coi giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá, hội nhập quốc tế, phát triển giáo dục - đào tạo gắn với phát triển khoa học và công nghệ.
Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động. Triệt để khắc phục "bệnh thành tích" và những tiêu cực trong giáo dục, đào tạo; khắc phục tâm lý và hiện tượng quá coi trọng và đề cao "Bằng cấp", "Chứng chỉ" một cách hình thức trong tuyển dụng và đánh giá nhân lực.
Hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách về phát triển, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là luật pháp về lao động tiền lương, giáo dục - đào tạo, BHXH.
Đối với nguồn tài lực:
Tăng cường rà soát, hoàn thiện và thực hiện các giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả để tăng dự trữ quốc gia và các nguồn lực tài chính khác cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như: Kiều hối, quỹ bảo hiểm và các quỹ ngoài ngân sách nhà nước khác. Có giải pháp phù hợp khuyến khích huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực vàng và ngoại tệ trong dân cư cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển mạnh mẽ công nghệ tài chính và kinh tế số.
Hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm; thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm./.
Quyết Thắng