Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại Nghệ An
11/01/2019 11:09 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều ngày 11/01, Đoàn giám sát của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam, do Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An và các sở, ngành liên quan về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.
Tham gia Đoàn giám sát có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn; đại diện một số đơn vị thuộc BHXH Việt Nam và Bộ Công an. Về phía tỉnh Nghệ An có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh; Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Qúy và đại diện các sở, ngành có liên quan.
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành phát biểu tại buổi làm việc
Tìm giải pháp phát triển đối tượng
Theo báo cáo của BHXH tỉnh Nghệ An, những năm qua, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, ủng hộ của các sở, ngành và chính quyền địa phương… Vì vậy, BHXH tỉnh luôn hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Cụ thể: Hết năm 2018, toàn tỉnh có 2.809.906 người tham gia BHXH, BHYT (đạt 100,5% kế hoạch), trong đó gồm: 252.199 người tham gia BHXH bắt buộc; gần 30.000 người tham gia BHXH tự nguyện và 2.778.390 người tham gia BHYT- đạt tỉ lệ bao phủ 88,7% dân số. Số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 5.691,7 tỷ đồng, tăng 478,8 tỷ đồng (9,2%) so với năm 2017, đạt 100,9% dự toán BHXH Việt Nam giao.
Tuy nhiên, tình hình nợ đọng BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh dù có chiều hướng giảm, nhưng số DN, số tiền nợ vẫn còn cao và phức tạp. Hiện nay, các DN trên địa bàn tỉnh cũng đang nợ 115,64 tỷ đồng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Trong đó, có 860 DN đang nợ từ 1 tháng trở lên với 11.637 lao động. Việc đôn đốc thu BHXH gặp nhiều khó khăn do nhiều DN thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc. Trong đó, đáng chú ý là tính đến tháng 12/2018 có 725 DN mất tích, phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, với tổng số tiền nợ là 35,5 tỷ đồng; 32 DN thực hiện tái cơ cấu DN, chuyển đổi hình thức sở hữu, nhưng không xử lý dứt điểm các khoản nợ BHXH, BHYT với tổng số tiền 49,6 tỉ đồng, gây rất nhiều khó khăn cho công tác thu hồi nợ đọng. Việc xác định số lao động, số DN thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia cũng gặp khó khăn, do mỗi cơ quan, bộ ngành có phương pháp, phạm vi, thời hạn thống kê và quản lý riêng, dẫn đến số liệu không thống nhất.
BHXH tỉnh cũng gặp khó khăn trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Báo cáo của BHXH tỉnh chỉ rõ nguyên nhân do nhiều DN không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc khai trình lao động theo quy định tại Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH; không thống kê được số lượng người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc tại các tỉnh khác, ảnh hưởng đến việc tính tỷ lệ bao phủ BHXH của tỉnh. Việc xác định số lao động, số DN thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia gặp rất nhiều khó khăn do mỗi cơ quan, ban, ngành có phương pháp và phạm vi thời hạn thống kê, quản lý riêng, dẫn đến số liệu không đầy đủ, thống nhất và chính xác; nhất là số lao động có hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc từ ngày 01/01/2018…
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi làm việc.
Qua số liệu quản lý của Cục Thuế tỉnh, tính đến 31/12/2017 trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn 6.049 DN có mã số thuế đang hoạt động nhưng chưa đăng ký tham gia BHXH.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Chí Công cho biết, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH theo Nghị quyết 28-NQ/TW đang là bài toán khó với Nghệ An. Thực trạng dân số, lực lượng lao động của tỉnh lớn, nhưng hầu hết đều đi làm ăn ở các tỉnh, thành phía Nam. DN trên địa bàn chủ yếu vừa và nhỏ, đơn vị lớn nhất cũng chỉ có khoảng 4.000 lao động. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật BHXH của DN chưa cao, thể hiện qua số DN nợ đọng, trốn đóng BHXH còn lớn; số DN khó khăn, giải thể nhiều…
Theo ông Nguyễn Chí Công, giải quyết tình trạng nợ BHXH kéo dài đang là việc cần làm ngay với những giải pháp mạnh như khởi kiện, khởi tố hình sự. Cùng với đó, cần giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH phù hợp hơn với đặc thù địa phương.
Đánh giá cao vai trò của chính sách BHXH, BHYT trong thực hiện an sinh xã hội, song Thượng tướng Nguyễn Văn Thành cũng chỉ rõ, thực tế triển khai chính sách này vẫn còn không ít vướng mắc, hạn chế như: Diện bao phủ BHXH còn thấp; tính tuân thủ pháp luật BHXH, BHYT chưa nghiêm; tình trạng trốn đóng BHXH còn phổ biến, nhất là trong khu vực DN; còn gặp khó khăn trong phát triển đối tượng, nhất là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện… Do đó, cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc cải cách chính sách BHXH theo đúng tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW, đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng, giảm tỉ lệ nợ đọng; tập trung phát triển đối tượng tham gia, nhất là BHXH tự nguyện.
Khắc phục những bất cập trong quản lý, sử dụng quỹ BHYT
Năm 2018, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh là 2.778.390 người. Tính đến ngày 31/12/2018, đã giải quyết cho trên 5.150 nghìn lượt người KCB BHYT với số tiền các cơ sở đề nghị thanh toán là 3.334,4 tỷ đồng; trong đó: KCB bằng thẻ BHYT do tỉnh Nghệ An phát hành là 4.952 nghìn lượt người với tổng số tiền chi là 3.134,7 tỷ đồng; khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT do tỉnh, thành phố khác phát hành là 198 nghìn lượt người với tổng số tiền chi là 199,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công tác quản lý quỹ KCB BHYT tại tỉnh còn không ít bất cập, hạn chế: Vẫn xảy ra tình trạng bội chi quỹ BHYT, tình trạng chỉ định quá mức DVKT, xét nghiệm cận lâm sàng, kéo dài thời gian nằm viện hoặc chỉ định vào điều trị nội trú khi không thật cần thiết. Việc kê thêm giường điều trị vượt giường kế hoạch xảy ra ở nhiều cơ sở KCB. Năm 2018, tỉ lệ bệnh nhân điều trị nội trú của tỉnh lên tới 11,78% - cao hơn bình quân chung toàn quốc (9,08%). Tỉ lệ chỉ định xét nghiệm ngoại trú; chi phí xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, tiền giường; tỉ lệ sử dụng thuốc chế phẩm y học cổ truyền… ở Nghệ An đều cao hơn bình quân chung toàn quốc.
Trao đổi về việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Minh Tuệ cho biết, những năm qua, ngành Y tế Nghệ An có sự phát triển mạnh mẽ, đầu tư hiện đại, đưa vào thực hiện nhiều DVKT cao, với mục tiêu trở thành trung tâm y tế lớn của khu vực Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, theo ông Tuê, ngành Y tế tỉnh cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức trong đầu tư phát triển tuyến y tế cơ sở; mức đóng BHYT dựa trên mức lương cơ sở nên còn thấp, trong khi nhu cầu KCB lại lớn; cơ chế tự chủ tài chính khiến nhiều cơ sở y tế loay hoay tìm hướng đi… ảnh hưởng đến việc cân đối nguồn quỹ KCB BHYT của địa phương.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đánh giá cao những kết quả Nghệ An đạt được trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, nhất là đối tượng tham gia BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng, việc trả sổ BHXH và đồng bộ hoá dữ liệu đã hoàn tất. Tuy nhiên, trong quản lý quỹ KCB BHYT trên địa bàn tỉnh còn không ít tồn tại, vướng mắc.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đề nghị, BHXH tỉnh cần rà soát lại chỉ tiêu giường bệnh của các BV; ngày điều trị bình quân, chi phí BHYT bình quân trên 01 lượt KCB. Đồng thời, ngân sách tỉnh cần tính toán lại việc bù kinh phí vượt quỹ KCB BHYT, cải cách tiền lương ở các cơ sở y tế... để giảm áp lực tự chủ cho các BV. Đặc biệt, UBND tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn. Các sở, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ với ngành BHXH giải quyết những tồn tại, hạn chế, đảm bảo quyền lợi của người dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở, quan tâm đến việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu như nợ đọng BHXH, BHYT và chi phí KCB BHYT của tỉnh vẫn cao hơn bình quân chung cả nước. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, đặc thù, cũng có những yếu tố từ nội tại như nhiều các cơ sở y tế đang chỉ trông vào nguồn quỹ BHYT để hoạt động; khó khăn trong thu hồi nợ đọng BHXH ở các DN đã phá sản, giải thể. Do vậy, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là chỉ đạo tất cả các cơ quan chức năng trên địa bàn cùng vào cuộc để giải quyết vấn đề, với những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn...
Riêng về vấn đề bội chi quỹ BHYT, phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh khẳng định: Những năm qua, tỉnh đã thường xuyên đốc thúc cơ quan BHXH kiểm soát mức chi và hạn chế tối đa việc bội chi. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc và thành lập đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc
Kết luận tại buổi làm việc, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành thay mặt Đoàn giám sát đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Nghệ An trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT và ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh trong công tác này. Đồng thời, ghi nhận những ý kiến góp ý, đề xuất của các đơn vị, để báo cáo với HĐQL BHXH Việt Nam. Thượng tướng Nguyễn Văn Thành cũng đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An cần tập trung phân tích nguyên nhân, có những giải pháp kiên quyết để phát triển đối tượng; giải quyết triệt để tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT cũng như tình trạng bội chi quỹ KCB BHYT...
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành cũng đề nghị, Nghệ An cần tăng cường công tác giám sát, tránh tình trạng lạm dụng các dịch vụ y tế và nâng cao trách nhiệm quản lý của giám đốc các bệnh viện. Trong trường hợp các vụ vi phạm không giải quyết được, có thể xử lý hình sự.
Tiếp thu các ý kiến của Đoàn Giám sát, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cho biết, UBND tỉnh đã nhận rõ hơn những tồn tại và những việc cần phải thực hiện trong thời gian tới. Thời gian tới, Nghệ An tiếp tục tăng cường việc lãnh đạo, chỉ đạo quản lý và yêu cầu tất cả các cấp chính quyền vào cuộc để việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh hiệu quả và đúng với các mục tiêu đã đề ra, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia./.
PV