Bài 7: Cải cách chính sách BHXH – Hướng tới BHXH toàn dân
24/10/2018 04:01 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là một trong những mục tiêu quan trọng mà BHXH hướng đến nhưng quả thực “bài toán khó” đang đặt ra cho ngành BHXH nhiều thách thức lớn, cần kíp có sự vào cuộc của các Bộ, ban ngành liên quan và đặc biệt là sự ủng hộ từ phía người dân, doanh nghiệp.
Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt mục tiêu tổng quát “Từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”, đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2021 phấn đấu đạt khoảng 35%, giai đoạn đến năm 2025 đạt khoảng 45%, giai đoạn đến năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH... là mục tiêu đầy thách thức.
Thực tế là Ngành BHXH đang gặp khó khăn nhất định trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH. Tuy liên tục được đổi mới, bổ sung, nhưng chính sách BHXH vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Diện bao phủ còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực; quỹ BHXH vẫn tiềm ẩn nguy cơ về mất cân đối trong trung và dài hạn; các chế độ BHXH còn chưa đa dạng, linh hoạt nên thiếu hấp dẫn; hồ sơ, thủ tục còn chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp, NLĐ…
Hiện còn hơn 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động mà không tham gia BHXH. Đặc biệt là việc nghỉ hưu sớm trong điều kiện dân số già hóa với tuổi thọ ngày càng tăng đang và sẽ là gánh nặng lớn cho Quỹ BHXH. Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, trong thời gian qua, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Chính sách BHXH chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hoá dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn dưới mức tiềm năng; độ bao phủ BHXH tăng chậm.
Số lượng người rời bỏ hệ thống BHXH (nhận chế độ BHXH một lần) đang tăng nhanh, do điều kiện nhận BHXH một lần quá dễ, mở rộng. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục. Một số cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt chỉ đạo công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn. Nhận thức của một bộ phận người lao động, người sử dụng lao động về vai trò, mục đích, ý nghĩa của BHXH chưa đầy đủ. Hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách BHXH còn bất cập. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH chưa thật sự tạo được sự tin cậy để thu hút người lao động tham gia BHXH. Chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức còn hạn chế. Người dân (người tham gia BHXH tự nguyện) có thu nhập thấp, không ổn định...
Những rào cản trên khiến cho việc “cán đích” trong thực hiện mục tiêu này đang rất khó khăn. Dù vậy, ngành BHXH vẫn tích cực nỗ lực từng ngày. Bởi những lợi ích to lớn của Nghị quyết 28 đối với người dân đang trở thành động lực thúc đẩy những người có trách nhiệm phải vào cuộc và quyết tâm hơn nữa. 11 nội dung cải cách được tập trung thực hiện trong thời gian tới đề hướng tới mục tiêu ASXH bền vững. Do đó, những cải cách này đối với NLĐ sẽ mang lại lợi ích lâu dài và cho số đông. Đại diện BHXH Việt Nam khẳng định, với trách nhiệm của cơ quan thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam sẽ đảm bảo triển khai các nội dung cải cách này hiệu quả sau khi được luật hóa.
Chính phủ, các Bộ, ngành và BHXH Việt Nam sẽ quán triệt, xây dựng chương trình hành động từng bước cụ thể hóa Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH; từ việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, cho đến công tác tổ chức thực hiện theo định hướng của Nghị quyết 28-NQ/TW sẽ bảo đảm quyền lợi BHXH, an sinh xã hội cho người dân hiệu quả hơn. Điều này được thể hiện rõ nhất với định hướng BHXH toàn dân, thời gian tới đây, các quy định cũng sẽ được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt, hấp dẫn người dân tham gia BHXH nhiều hơn, bảo đảm để mọi người dân đều được bảo đảm an sinh ở mức tối thiểu trở lên.../.
Dương Vũ