Cải cách Luật về hệ thống hưu trí tại Nga: Con đường nhiều gian nan
03/08/2018 08:40 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hôm 19/7 vừa qua, Duma quốc gia Nga đã thông qua lần 1 dự thảo Luật về cải cách hệ thống hưu trí. Chưa khi nào tại chính trường Nga lại có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh một dự luật như lần này. Chính Tổng thống V.Putin cũng thừa nhận bản thân ông không hề thích dự Luật này nhưng đây là việc “chẳng thể đừng” và yêu cầu không để xảy ra bất ổn trong xã hội chỉ vì dự Luật này.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Con đường nhiều gian nan
Xuất phát điểm của Luật về hệ thống hưu trí của LB Nga là sự kế thừa từ đạo luật này của thời kỳ Xô Viết gồm 2 yếu tố nổi bật đó là: Độ tuổi nghỉ hưu với nam giới là 60 và nữ giới là 55 (được quy định từ năm 1932 - khi mà tuổi thọ trung bình lúc đó tại Liên Xô chỉ khoảng 50) và mức lương hưu ấn định bất biến một lần cho tất cả công dân đến tuổi về hưu theo luật định (đã được quy định từ những năm đầu 1960).
Sau khi Liên Xô tan rã, kinh tế thị trường bắt đầu xuất hiện và mức lạm phát cao đã buộc Chính phủ Nga năm 1995 phải thông qua văn bản “khái niệm về cải tổ hệ thống bảo đảm chế độ hưu trí” mà trên cơ sở đó lương hưu sẽ được điều chỉnh dựa trên mức độ lạm phát cùng với hệ thống bảo đảm hưu trí dựa trên 3 cấp độ: Phúc lợi xã hội, hưu trí theo bảo hiểm lao động và hưu trí tự nguyện. Đến năm 1997, văn bản này được bổ sung thêm một mô hình mới của hệ thống hưu trí, đó là tích lũy hưu trí. Và cùng với sự bổ sung này, ngày 7/5/1998, Luật về các quỹ hưu trí ngoài quốc doanh được ban hành. Các quỹ này được phép thu hút tiền tích lũy hưu trí và có trách nhiệm chi trả cho người lao động khi họ đến tuổi nghỉ hưu. Tính đến năm 2009, trên toàn lãnh thổ LB Nga đã có 133 quỹ hưu trí ngoài quốc doanh được thành lập và hoạt động.
Với mục tiêu vừa tăng mức thu nhập bình quân cho người nghỉ hưu và giảm tỷ lệ nghèo trong nhóm hưu trí, từ năm 2015, quy định đóng bảo hiểm hưu trí bắt buộc ở mức 22% từ tổng lương hằng năm của người lao động theo tỷ lệ 6% vào quỹ tích lũy hưu trí và 16% vào quỹ bảo hiểm hưu trí hoặc có thể theo nguyện vọng của người lao động toàn bộ 22% vào quỹ bảo hiểm hưu trí được ban hành.
Từ khi cai quản Điện Kremlin đến nay, một trong những mục tiêu chiến lược của Tổng thống V.Putin là cải thiện các vấn đề xã hội, giảm tỷ lệ nghèo xuống mức khoảng 10% như tại các nước phát triển, trong đó có tăng lương hưu bình quân.
Tuổi thọ trung bình tại Nga qua các thời kỳ.
Đường màu xanh: Số người nghỉ hưu.
Đường màu đỏ: Số người đang đi làm.
Tuy nhiên, vấn đề “già hóa dân số” đang là rào cản rất lớn đối với chiến lược này. Nếu lấy năm 1960 là mốc áp dụng Luật hưu trí với tất cả mọi người dân thì độ tuổi nghỉ hưu theo Luật (60 tuổi với nam giới và 55 tuổi với nữ giới) cũng đã hơn nửa thế kỷ, hơn nữa vào thời điểm đó, tuổi thọ trung bình ở Nga chỉ khoảng dưới 70 và mặc dù có thời kỳ tuổi thọ trung bình sụt giảm hẳn xuống nhưng hiện nay theo số liệu của Bộ Y tế Nga là 73,5 tuổi. Cũng theo tính toán của tổ chức này thì cứ mỗi năm tuổi thọ trung bình ở Nga lại tăng thêm khoảng 7-8 tháng và nếu theo tốc độ này thì đến năm 2030, tuổi thọ trung bình của nam giới sẽ là 75,8 và của nữ giới là 83,7 (trung bình của 2 giới sẽ là 80,1).
Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật sẽ vấp phải những phản ứng tiêu cực từ xã hội và vì vậy, chủ trương này cứ “nâng lên lại đặt xuống” trong suốt cả một thời kỳ dài.
Không thể trì hoãn
Sau khi dự Luật được Duma quốc gia thông qua lần thứ nhất (dự kiến sẽ thảo luận và thông qua lần cuối cùng vào mùa thu năm nay), sau những ồn ào của dư luận và của các đảng phái đối lập, Tổng thống Nga đã chính thức bày tỏ quan điểm về việc này. Theo Tổng thống V.Putin thì bản thân ông cũng không thích dự Luật này và mặc dù vẫn có thể trì hoãn việc này thêm dăm bảy năm nữa và ngân sách vẫn có thể tiếp tục “gồng gánh” được áp lực này. Thế nhưng, cuối cùng vẫn phải đối diện với sự thật là người làm việc thì dần ít đi mà người nghỉ hưu thì càng nhiều thêm và mức tiền hưu trí thì không thể cải thiện căn bản được. “Nếu vào năm 1970, cứ một người nghỉ hưu chúng ta có 3,7 người làm việc thì bây giờ tỷ lệ này là 5/6 và xu hướng này sẽ còn tiếp tục với tốc độ ngày càng lớn. Nếu chúng ta không thay đổi Luật thì hoặc là toàn bộ hệ thống hưu trí sẽ đổ vỡ hoặc là ngân sách và các quỹ dự trữ mà từ đó những thâm hụt cho hệ thống hưu trí đang được bù đắp sẽ bị thâm thủng và tiêu tan…”, người đứng đầu Điện Kremlin kết luận.
Theo báo cáo của Chính phủ Nga thì việc nâng độ tuổi về hưu lên 65 với nam giới và 63 với nữ giới dựa trên một số căn cứ cụ thể như sau: “Tuổi thọ” của chính đạo Luật quy định về độ tuổi về hưu đã gần được 60 năm và trên thực tế tại 70% quốc gia trong nhóm G20 và 100% tại EU, độ tuổi về hưu đều cao hơn so với tại LB Nga.
Trên thực tế, tại Nga, những người đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn còn làm việc ngày càng nhiều. Số liệu thống kê cho thấy: Đến tháng 1/2018, trong số 46,5 triệu hưu trí (chiếm 31,7% dân số) thì có 12,3 triệu người vẫn tiếp tục làm việc (chiếm 26,4%). Riêng trong năm 2017, có 1,45 triệu người đến tuổi về hưu nhưng có tới 730.000 người vẫn tiếp tục làm việc (chiếm 50,3%).
Lương hưu bình quân cho năm 2018, theo tính toán là 14.414 ruble và nếu hệ thống hưu trí không đươc cải tổ thì mức tăng trung bình mỗi tháng sẽ dao động từ 380 - 450 ruble. Nhưng nhờ điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu mà trong giai đoạn từ 2018 đến 2028 (là mốc mà tuổi về hưu là 65 và 63 tương ứng cho nam và nữ giới), mỗi tháng sẽ tăng thêm bình quân 1.000 ruble, có nghĩa là lương hưu tăng thêm cho mỗi hưu trí là 12.000 ruble/năm (khoảng 200 USD). Theo Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov, nếu đà tăng trưởng đúng như lộ trình thì đến năm 2024, lương hưu bình quân sẽ đạt ngưỡng 20.000 ruble, tương đương với khoảng 40% lương bình quân của người đang làm việc như Tổ chức Lao động quốc tế khuyến cáo.
Hiện nay, số người đang làm việc tại Nga là 73 triệu người. Nếu Luật về nâng tuổi nghỉ hưu được thông qua thì đến năm 2023, số lượng người làm việc sẽ là 74,5 triệu, còn trong trường hợp ngược lại (vẫn áp dụng quy định như suốt 60 năm qua) thì con số này sẽ chỉ còn là 70,6 triệu.
Lộ trình thay đổi độ tuổi về hưu (theo Luật sửa đổi nếu được thông qua):
Theo như bảng trên thì nam giới sinh sau năm 1963 và nữ giới sinh sau năm 1971 đều áp dụng một độ tuổi để về nghỉ hưu theo luật là 65 (với nam giới) và 63 (với nữ giới).
Những “góc khuất” mà Luật chưa dự liệu hết
Theo báo cáo mà Công ty McKinsey (MGI) công bố mới đây thì thời đại tự động hóa và số hóa sẽ có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến thị trường lao động mà chủ yếu tại các nước phát triển (theo các chuyên gia thị trường lao động ở Nga, mặc dù sự ảnh hưởng sẽ ít hơn nhưng cũng không là ngoại lệ) trong vòng khoảng mươi năm tới. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến đã làm thay đổi ngày càng lớn nhu cầu về lao động và việc làm. Cũng chính vì điều này mà quan điểm sử dụng lao động dựa trên nếp tư duy tốt nghiệp phổ thông, đi học theo một ngành nghề nào đó để rồi “ung dung làm việc đến hết đời” đã không còn hợp thời. Thời đại công nghiệp 4.0 đòi hỏi mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi luôn phải được “tái đào tạo” để có những kỹ năng mới và nâng cấp được chính mình. Sự khác biệt về thâm niên, tuổi tác trong một số lĩnh vực sẽ không còn ranh giới và đôi khi lực lượng lao động trẻ lại được đánh giá cao hơn nhờ sự nhanh nhạy trong làm chủ các công nghệ mới tiên tiến. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực đòi hỏi các kỹ năng về mặt xã hội, cảm xúc… như y tế, giáo dục... thì các lao động lớn tuổi vẫn có “chỗ làm đáng trân trọng”.
Vấn đề “cào bằng” trong quy định tuổi về hưu cho mọi nghề nghiệp cũng bị một số chuyên gia đánh giá là chưa hợp lý, nhất là đối với một số công việc đòi hỏi nhiều sức lực như bê vác, dọn dẹp…
Theo VGP