Nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội hỗ trợ người khuyết tật
26/07/2018 02:08 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thời gian qua, cùng với Nhà nước, các tổ chức, trung tâm công tác xã hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người khuyết tật (NKT). Các dịch vụ xã hội dành cho NKT như y tế, giáo dục, sinh kế, việc làm được hình thành, phát triển và mở rộng trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên hiện nay, với rất nhiều NKT, việc tiếp cận với các dịch vụ này không hề dễ dàng vì những rào cản về thông tin, sự kỳ thị, thiếu dịch vụ ở cấp độ cá nhân.
Mạng lưới các trung tâm, cơ sở dịch vụ xã hội đối với người khuyết tật ngày càng mở rộng, phát triển trên phạm vi cả nước. Ảnh minh họa.
Các dịch vụ được mở rộng
Theo Ths. Nguyễn Ngọc Tùng - giảng viên khoa Công tác xã hội (Học viên Thanh thiếu niên Việt Nam), hiện nay, cả nước có khoảng 7 triệu NKT, trong đó có hơn 1,3 triệu người được cấp giấy xác nhận khuyết tật. Để đảm bảo quyền lợi của NKT, công tác cấp giấy xác nhận khuyết tật được các địa phương tiếp tục thực hiện. Đến nay, 63 tỉnh/thành phố đã triển khai xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho 266.639 NKT đặc biệt nặng, 634.567 NKT nặng, 543.126 NKT nhẹ. Trên cơ sở đó, các địa phương đã giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 890.000 NKT nặng, đặc biệt nặng.
"Hiện cả nước có 67 cơ sở trợ giúp NKT (trong đó có 30 cơ sở công lập, 37 cơ sở ngoài công lập) cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, lao động, dạy nghề, thể dục thể thao, văn hóa, nuôi dưỡng những NKT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong số 63 tỉnh/thành, có 20 tỉnh/thành thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục cấp tỉnh. Cả nước có 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 12 trung tâm giáo dục trẻ em khuyết tật. Cùng với đó, hoạt động giáo dục hòa nhập được thực hiện ở tất cả các cấp học phổ thông. Đến nay, cả nước có 418 cơ sở trợ giúp xã hội, gồm 195 cơ sở công lập và 223 cơ sở ngoài công lập được thành lập, hoạt động. Các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp và cung cấp các dịch vụ xã hội, đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt", Ths. Nguyễn Ngọc Tùng cho hay.
"Công tác GD-ĐT cho NKT cũng được chú trọng. Hiện có hơn 78.000 trẻ khuyết tật có khả năng học tập đang đi học, chủ yếu là học hòa nhập ở các trường mầm non và phổ thông. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo ban hành quy định về thống nhất sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong toàn quốc, biên soạn tài liệu ngôn ngữ ký hiệu dành cho các cấp học phổ thông, xây dựng các chương trình giáo dục đặc biệt đối với trẻ khuyết tật. Những thông tin, số liệu đó trên cho thấy hệ thống cơ sở trợ giúp cho đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có NKT đã và ngày càng phát triển mạnh, rộng khắp các địa phương. Đó là cơ hội để NKT tiếp cận các dịch vụ xã hội", Ths. Nguyễn Ngọc Tùng nhấn mạnh.
Xóa bỏ các rào cản
"Nhìn tổng thể, chính sách trợ giúp xã hội ở Việt Nam đã đạt được thành quả, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Tuy nhiên, hệ thống trợ giúp xã hội chưa được hoàn thiện theo cách tiếp cận hệ thống, đồng bộ, toàn diện, bao phủ hết đối tượng, gắn chặt chẽ trong mối quan hệ với an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, phát triển các dịch vụ xã hội cơ bản và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về phát triển trợ giúp xã hội, nhất là trong điều kiện Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình", Ths. Trần Thị Minh Phương - giảng viên khoa Công tác xã hội (Trường ĐH Đà Lạt) nhìn nhận.
Theo bà Bùi Phương Thảo - khoa Công tác xã hội (Học viên Thanh thiếu niên Việt Nam), qua những kết quả nghiên cứu cho thấy, NKT ở Việt Nam hiện nay gặp những rào cản, khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ xã hội và hòa nhập cộng đồng. Đó là khó khăn trong tiếp cận sử dụng các phương tiện giao thông và các công trình công cộng (di chuyển lên bậc thang, xe buýt, sử dụng phòng vệ sinh công cộng, sử dụng không gian giải trí…); khó khăn trong tiếp cận dịch vụ giáo dục, dịch vụ dạy nghề và việc làm; khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ y tế, tiếp cận thông tin; trong xây dựng tình yêu, hôn nhân, gia đình… Đây thực sự là những vấn đề cơ bản trong việc đề ra các giải pháp, biện pháp nhằm xóa bỏ rào cản để nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội đối với NKT ở nước ta hiện nay.
"Hiện nay, với sự phát triển ngày càng cao của xã hội sẽ mang lại những chuyển biến tích cực đối với con người, nhưng kéo theo đó là số lượng NKT có xu hướng gia tăng do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Nhu cầu của con người ngày càng tăng lên, dẫn đến nhu cầu của NKT cũng tăng. Vì thế, đòi hỏi xã hội, các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội phải có dịch vụ tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của NKT", bà Thảo bày tỏ.
Ths. Nguyễn Ngọc Tùng cho rằng, muốn nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội đối với NKT, chúng ta cần phải bảo đảm được việc cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của họ; đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức về vấn đề khuyết tật, kỹ năng, kiến thức trong chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ NKT; nâng cao năng lực cho NKT và phát huy vai trò của nhân viên công tác xã hội đối với NKT.
"Chỉ khi NKT hiểu rõ được quyền lợi, nghĩa vụ, khả năng của bản thân, họ mới có thể thuyết phục được người khác tôn trọng, nhìn nhận năng lực của mình. Gia đình nhận thức đúng thì mới có thể hỗ trợ, khuyến khích NKT phát triển một cách tối đa năng lực của họ. Từ đó nâng cao nhận thức, sự tự tin cho NKT để họ thể hiện khả năng của mình, sẵn sàng hòa nhập và đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, để NKT khẳng định được năng lực, rất cần đến cộng đồng, xã hội tạo ra cơ hội, môi trường thuận lợi cho họ thể hiện khả năng, đóng góp trí tuệ, tâm sức" ông Tùng nhấn mạnh.
Theo CAĐN