Sớm sửa Luật Cán bộ, công chức
25/07/2018 11:55 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nhiều quy định của Luật Cán bộ, công chức không còn phù hợp với thực tế, trong đó, có hai vướng mắc cơ bản: Phương pháp, tiêu chí đánh giá cán bộ và không xử lý được cán bộ, công chức có hành vi vi phạm nhưng chưa bị phát hiện trong thời gian công tác. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của QH chưa tính đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm sửa đổi đạo luật này.
Chưa đủ hành lang pháp lý?
Việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để cơ quan và người có thẩm quyền quản lý, sử dụng cán bộ, công chức thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, hay cho thôi việc. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện, công tác đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Các văn bản hiện hành, trong đó có Luật Cán bộ, công chức chưa tạo đủ hành lang pháp lý cho việc đánh giá kết quả thực hiện công việc theo vị trí việc làm. Việc thực hiện các quy định về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức còn nhiều bất cập do chưa xác định được tiêu chí đánh giá cụ thể dẫn tới những vướng mắc trong quá trình triển khai, phản ánh không đúng thực trạng mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức. Mục đích đánh giá cán bộ nhằm làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành vẫn chỉ quy định chung chung theo các nội dung: Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; tinh thần trách nhiệm trong công tác; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, Luật cũng quy định, việc đánh giá cán bộ được thực hiện hàng năm, trước khi bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, khi kết thúc nhiệm kỳ, thời gian luân chuyển, nhưng lại không đưa ra các tiêu chí đánh giá cụ thể là gì.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ cho rằng, Luật Cán bộ, công chức quy định mục đích, nội dung nhưng trong đó không quy định về phương pháp đánh giá công chức dẫn đến kết quả đánh giá phụ thuộc rất nhiều vào người có trách nhiệm. Khi việc đánh giá cán bộ, công chức chưa có một “barem” chuẩn thì sẽ không thể có được kết quả một cách khách quan. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đội ngũ cán bộ khi được bổ nhiệm.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ phát biểu tại phiên họp UBTVQH 13.7.
Xóa bỏ tình trạng “hạ cánh an toàn”
Thực tế đã xuất hiện những cán bộ, công chức có hành vi vi phạm nhưng chưa bị phát hiện trong thời gian công tác hoặc chưa đến mức độ xử lý hình sự. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật đối với những đối tượng này gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ sở pháp lý. Một bộ phận cán bộ, công chức có tư duy nhiệm kỳ, “hạ cánh an toàn” dẫn tới sự hời hợt, thiếu trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ.
Theo quy định tại Điều 80 Luật Cán bộ, công chức, thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Khi hết thời hiệu, cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xem xét xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, qua việc thanh tra, kiểm tra, tố giác của quần chúng nhân dân, có nhiều trường hợp đã bị xử lý kỷ luật về Đảng hoặc đã bị xử lý hình sự nhưng không chịu hình thức phạt tù, khi xét kỷ luật theo quy định của Luật thì đã hết thời hiệu nên không xử lý được. Trong khi đó, theo Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15.11.2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm được áp dụng 5 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Áp dụng 10 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức. Ngoài ra, không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đảng đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; vi phạm về chính trị nội bộ; về an ninh, quốc phòng, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia và việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp.
Như vậy, quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức của Luật Cán bộ, công chức tính đến thời điểm này đã không còn phù hợp, không bảo đảm thống nhất giữa các quy định liên quan đến kỷ luật cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị nói chung và trong bộ máy nhà nước nói riêng. Để khắc phục những tồn tại này, nhiều ý kiến đề xuất cần sửa đổi Luật Cán bộ, công chức, quy định các trường hợp bị xử lý kỷ luật khi cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong quá trình công tác. Việc bổ sung quy định này sẽ có tác dụng răn đe, ngăn ngừa các hành vi thiếu trách nhiệm và tâm lý “hạ cánh an toàn”; hạn chế được các thất thoát, các thiệt hại của Nhà nước do các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức gây ra. Việc bổ sung này cũng sẽ góp phần bảo đảm tính thống nhất về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị.
Đề nghị sửa Luật Cán bộ, công chức, cần bổ sung quy định về phương pháp đánh giá cán bộ, công chức trước khi bổ nhiệm. Theo đó, phương pháp đánh giá cán bộ, công chức để bổ nhiệm thì nên so sánh 2 cán bộ nguồn hoặc 3 cán bộ nguồn. Bởi vì, năm nào chúng ta cũng quy hoạch nguồn, năm nào cũng điều chỉnh, bổ sung. Khi đánh giá, cần theo từng tiêu chí của một chức vụ nào đó đã được công khai. Những tiêu chí đó cũng là cơ sở để cán bộ phấn đấu.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ
Theo Báo ĐBND