Hầu hết công nhân tham gia ngừng việc đã đi làm trở lại
20/06/2018 10:57 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, các cuộc ngừng việc tập trung đông người tại các tỉnh, thành phố giảm dần và đến ngày 16/6 hầu hết các công nhân đã đi làm trở lại.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, từ đầu tháng 6/2018, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều lời kêu gọi công nhân bỏ việc, xuống đường phản đối việc Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) và Luật An ninh mạng. Nhiều tờ rơi có nội dung tương tự cũng xuất hiện trong các khu vực nhà trọ và nơi công nhân làm việc ở một số tỉnh, thành phố.
Đến ngày 14/6, 100% công nhân Cty TNHH PouYuen Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh) đã lên dây chuyền sản xuất, trở lại làm việc bình thường.
Xuất phát điểm đầu tiên là cuộc ngừng việc xảy ra vào ngày 9/6 tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, Tp.Hồ Chí Minh), sau đó lan sang một số doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài trên địa bàn các tỉnh: Tiền Giang, Tây Ninh, Long An, Thái Bình, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng.
Đỉnh điểm là việc công nhân của 38 doanh nghiệp đã ngừng việc xuống đường ngày 11/6 trên địa bàn 4 tỉnh phía Nam là Tp.Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh và Tiền Giang.
Theo nhận định của lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cuộc ngừng việc trên không liên quan đến quan hệ lao động mà do tác động từ bên ngoài. Dù sự việc không gây thiệt hại về người và máy móc, nhà xưởng nhưng chủ các doanh nghiệp hết sức bức xúc vì việc sản xuất kinh doanh bị xáo trộn...
Đa số các doanh nghiệp xử lý những ngày ngừng việc của công nhân bằng cách trừ vào phép năm hoặc công nhân không đi làm ngày nào, không hưởng lương ngày đó. Một số doanh nghiệp vẫn trả lương cho công nhân trong những ngày ngừng việc.
Để xử lý kịp thời tình trạng trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông gửi tin nhắn kêu gọi người dân, công nhân lao động không tham gia tụ tập đông người, không ngừng việc, cảnh giác không để kẻ xấu lợi dụng.
Đồng thời, cơ quan này cũng phát hành các tài liệu, tờ rơi, video, băng phát thanh tuyên truyền, phát hình ảnh và lời kêu gọi của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trên báo chí, trang website, facebook của công đoàn; sử dụng mạng xã hội cung cấp thông tin, kêu gọi công nhân, phản bác các luận điệu của các thế lực thù địch.
Theo Trưởng ban Quan hệ Lao động Ngọ Duy Hiểu, bên cạnh vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ công đoàn các cấp đã túc trực ngày đêm, bám sát địa bàn, công nhân, doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động, giác ngộ cho người lao động hiểu đúng chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cảnh giác trước các âm mưu phá hoại của kẻ địch, yêu nước và thể hiện lòng yêu nước đúng cách.
Đặc biệt, công đoàn các cấp đã phân công cán bộ công đoàn chuyên trách trực 100% tại đơn vị và sẵn sàng huy động lực lượng nòng cốt tham gia khi có yêu cầu của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố để giải quyết các vấn đề liên quan đến tình hình công nhân, người lao động trên địa bàn; chủ động nắm chắc diễn biến, tình hình đoàn viên, người lao động tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thuộc phạm vi phụ trách, thực hiện báo cáo nhanh, báo cáo đột xuất khi có tình huống bất thường xảy ra...
Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng cho rằng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở cần tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và doanh nghiệp; tiếp tục nắm chắc tình hình, nhất là đối với những doanh nghiệp có nguy cơ cao công nhân sẽ tham gia tụ tập đông người; vận động để công nhân hiểu đúng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước./.
Theo dansinh.vn