Các nước Tiểu vùng sông Mekong hợp tác ngăn dòng chảy ma tuý
05/04/2018 02:32 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong năm 2017, riêng tại Tiểu vùng sông Mekong, lực lượng chức năng đã thu giữ 400 triệu viên ma túy tổng hợp và 25 tấn ma túy tổng hợp dạng tinh thể. Số lượng methamphetamine dạng viên và tinh thể thu được trên 600 tấn (gấp 7 lần so với năm 2008) và chiếm trên 80% lượng ma túy tổng hợp thu giữ trên toàn thế giới.
Thiếu tướng Lê Tấn Tảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an chủ trì Hội thảo.
Trong 2 ngày (2-3/4), tại TPHCM, Văn phòng Thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy, Bộ Công an đã chủ trì phối hợp với Cơ quan kiểm soát ma túy và tội phạm khu vực châu Á-Thái bình Dương (UNODC) tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng tình hình tội phạm ma túy và phân tích các tuyến vận chuyển ma túy, tiền chất trong khu vực.
Hội thảo nhằm trao đổi thông tin về tình hình tội phạm ma túy giữa các nước, xác định rõ các địa bàn trọng điểm, các tuyến vận chuyển trái phép ma túy và tiền chất tầm khu vực. Qua đó chuẩn bị cho các nước Tiểu vùng sông Mekong các giải pháp nhằm đối phó trước áp lực ngày càng gia tăng từ hoạt động vận chuyển ma túy tổng hợp, các chất hướng thần và tiền chất thông qua việc xây dựng một cơ chế hợp tác, trao đổi thông tin về tội phạm ma túy.
Tham dự hội thảo có 26 đại biểu đến từ các nước: Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Myanmar, Việt Nam, Indonesia và đại diện Văn phòng Cơ quan kiểm soát tội phạm và ma túy khu vực châu Á-Thái bình Dương có trụ sở tại Bangkok (Thái Lan).
Indonesia lần đầu tiên được mời tham dự hội thảo với tư cách quan sát viên, bởi lẽ, theo UNODC, tội phạm ma túy là loại tội phạm xuyên quốc gia, không chỉ giới hạn trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong. Trên thực tế, trong năm qua, nước này đã phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ vận chuyển ma túy tổng hợp với số lượng lớn có nguồn gốc từ khu vực. Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của Thiếu tướng Lê Tấn Tảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an.
Tội phạm ma túy làm thiệt hại 31,3 tỷ USD
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của đại diện Văn phòng UNODC khu vực và đại diện các nước đã khắc họa tương đối rõ nét bức tranh toàn cảnh về tình hình tội phạm ma túy và các tuyến vận chuyển ma túy, tiền chất chính trong khu vực.
Theo đó, trong năm qua, diện tích cây thuốc phiện tại 2 vùng trọng điểm là Myanmar và Lào đã giảm 14%, đưa diện tích trồng mới và tái trồng xuống 41.000 ha (sản lượng ước tính 550 tấn thuốc phiện) so với 55.500 ha năm 2015; lượng heroin thu giữ và giá của thuốc phiện, heroin giảm; heroin dần được thay thế bằng ma túy tổng hợp ở nhiều nước. Đến nay, chỉ còn 3 nước là Myanmar, Việt Nam và Malaysia có người nghiện heroin chiếm đa số thay vì 5 nước như trước đây. Năm 2016, tại Trung Quốc ghi nhận số người nghiện heroin và thuốc phiện chỉ còn chiếm 38,1% trong tổng số người nghiện ma túy.
Số lượng các cơ sở sản xuất bất hợp pháp các loại ma túy tổng hợp tại khu vực “Tam giác Vàng” bị phát hiện và triệt phá giảm đôi chút so với trước; không phát hiện thêm các phương thức, thủ đoạn mới trong việc cất giấu ma túy trong quá trình vận chuyển. Các thủ đoạn quen thuộc vẫn được tội phạm sử dụng như thay đổi cấu trúc các loại xe tải, xe ô tô bằng cách tạo các khoang trống để cất giấu ma túy hoặc cất giấu ma túy trong các loại hàng hóa cồng kềnh khó kiểm soát, đóng gói ma túy dưới các loại bao gói của các loại hàng hóa thông dụng trong quá trình vận chuyển,...
Tuy nhiên, do khu vực tiểu vùng sông Mekong vẫn là địa bàn trọng điểm được điều hành bởi các băng nhóm tội phạm ma túy xuyên quốc gia và một phần chịu tác động bởi xung đột giữa các nhóm vũ trang ly khai tại Myanmar, tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất đang diễn biến rất phức tạp và ở mức rất nghiêm trọng.
Theo báo cáo của UNODC, thiệt hại do tội phạm ma túy gây ra cho khu vực ước tính 31,3 tỷ USD, vượt trên cả thiệt hại do các các loại tội phạm về môi trường, lừa đảo và làm giả các loại hàng hóa,...
Chiếm 80% lượng MTTH thu giữ toàn thế giới
Xu thế chuyển dịch từ việc sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng heroin, thuốc phiện sang ma túy tổng hợp nhóm ATS và các loại chất hướng thần, nhất là loại Methamphetamine dạng tinh thể thể hiện rất rõ nét. Tuy vậy, chính xác bao nhiêu tấn ma túy tổng hợp được sản xuất tại khu vực này vẫn là ẩn số. Số lượng ma túy chỉ được ước tính qua lượng tiền chất dùng để sản xuất ma túy bị thu giữ hoặc ma túy tổng hợp thành phẩm bị thu giữ trong quá trình tiêu thụ.
Do giá thành chỉ bằng khoảng 1/7 hoặc 1/10 so với giá bán tại một số nước nằm ngoài khu vực, Methamphetamine có xuất xứ từ Tiểu vùng sông Mekong đang lan nhanh và chiếm lĩnh thị trường thế giới; cũng như có mặt ở một số địa bàn mới như Philippines, Indonesia, Đài Loan...
Trong năm 2017, riêng tại Tiểu vùng sông Mekong, lực lượng chức năng đã thu giữ 400 triệu viên ma túy tổng hợp và 25 tấn ma túy tổng hợp dạng tinh thể. Số lượng methamphetamine dạng viên và tinh thể thu được đã đạt mức trên 600 tấn (gấp 7 lần so với năm 2008) và chiếm trên 80% lượng ma túy tổng hợp thu giữ trên toàn thế giới.
Hoạt động vận chuyển ma túy diễn ra rất đa dạng, bằng các phương tiện đường bộ, đường hàng không và đường thủy. Lượng ma túy vận chuyển bằng đường thủy thường rất lớn. Một số nước như Myanmar, Indonesia cho biết với hàng chục nghìn tàu hàng, tàu đánh cá hoạt động trong vùng biển của họ và việc đồng thời tuân thủ những quy định khắt khe của Luật Hàng hải quốc tế thì việc ngăn chặn các hành vi vận chuyển ma túy, tiền chất bằng đường biển ở những nước này đang là một thách thức lớn.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Khó kiểm soát tiền chất
Về công tác kiểm soát tiền chất, các nước đều có những quy định rất chặt chẽ về hoạt động xuất nhập khẩu loại hàng hóa đặc biệt này. Vẫn biết không có tiền chất sẽ không có ma túy song việc kiểm soát tiền chất theo đại biểu các nước là một việc làm không hề dễ dàng bởi lẽ nhu cầu nhập khẩu tiền chất từ các nước (trừ Trung Quốc) phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế là rất lớn.
Kiến thức và kỹ năng nhận biết các loại tiền chất trong lực lượng hành pháp phòng, chống ma túy ở các nước không đồng đều và nhìn chung còn có mặt hạn chế trong khi tội phạm ma túy ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để đối phó với công tác kiểm soát của các nước.
Nhu cầu tiền chất phục vụ việc sản xuất bất hợp pháp tại khu vực tăng cao, một số nước như Myanma, Lào, Trung Quốc thông báo phát hiện nhiều tuyến đường vận chuyển trái phép tiền chất với số lượng lớn từ Trung Quốc đến khu vực “Tam giác Vàng”.
Củng cố cơ chế phối hợp sẵn có
Tại Hội thảo, đại biểu các nước khẳng định cần tăng cường hợp tác hơn nữa nhằm đối phó hiệu quả hơn trước áp lực ngày càng tăng của vấn đề ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, các chất hướng thần. Trước hết, cần củng cố các cơ chế phối hợp sẵn có như chia sẻ thông tin qua các kênh hợp tác song phương, đa phương, hệ thống các Văn phòng liên lạc qua biên giới đang được UNODC và chính phủ 6 nước Tiểu vùng sông Mekong triển khai tại các điểm nóng về ma túy dọc biên giới các nước.
Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả việc thực thi các hiệp định về tương trợ tư pháp mà các nước đã ký theo hướng hỗ trợ điều tra, bắt giữ tội phạm và truy nguyên nguồn gốc tài sản do phạm tội ma túy.
Về vấn đề kiểm soát tiền chất, UNODC giai đoạn tới sẽ nghiên cứu để hỗ trợ các nước trong khu vực nâng cao hiệu quả công tác này.
Theo Tiếng chuông