Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong nỗ lực cải cách pháp luật lao động và đảm bảo quyền lợi cho người lao động

24/11/2024 09:30 AM


Đây là khẳng định của Giám đốc phụ trách Châu Phi, Caribe và Châu Á, Thái Bình Dương, Thương mại và Phát triển bền vững và Thỏa thuận xanh của Tổng vụ Thương mại Ủy ban Châu Âu Dora Correia.

Toàn cảnh buổi làm việc

Sáng ngày 22/11/2024, tại Trụ sở Bộ LĐTBXH, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đã có buổi tiếp và làm việc với bà Dora Correia, Giám đốc phụ trách Châu Phi, Caribe và Châu Á, Thái Bình Dương, Thương mại và Phát triển bền vững và Thỏa thuận xanh của Tổng vụ Thương mại Ủy ban Châu Âu về một số nội dung hai bên cùng quan tâm. Cùng dự với Thứ trưởng có đại diện Lãnh đạo Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Pháp chế, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương.

Vui mừng đón tiếp bà Dora Correia cùng đoàn công tác của EU, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao sự phát triển của quan hệ Việt Nam - EU thời gian qua, thể hiện qua trao đổi đoàn, tiếp xúc các cấp giữa hai bên, đặc biệt là việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Trao đổi tại buổi tiếp, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, Việt Nam đã và đang thực thi tốt các cam kết trong Hiệp định EVFTA, thể hiện rõ qua việc ban hành Bộ luật Lao động 2019. Đây là Bộ luật có nhiều điểm mới tiến bộ, tiếp cận các tiêu chuẩn lao động quốc tế, lấy quyền và lợi ích người lao động làm trọng tâm, nâng cao vị thế người lao động trong mối quan hệ lao động.

Về việc ban hành Nghị định về Tổ chức đại diện người lao động và Thương lượng tập thể, Thứ trưởng thông tin, Nghị định này có nhiều nội dung ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng tới người lao động và cộng đồng doanh nghiệp nên cần được tham vấn một cách rộng rãi, thực chất với các đối tượng chịu tác động trực tiếp. Đây cũng là Nghị định có nhiều nội dung mới, phức tạp, lần đầu tiên được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam nên cần có quá trình nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng sao cho vừa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, vừa phù hợp với điều kiện, đặc điểm và trình độ phát triển của quan hệ lao động của Việt Nam. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp, tham vấn các cơ quan liên quan để xây dựng Nghị định theo quy trình thủ tục của pháp luật Việt Nam.

Liên quan đến Công ước 87 của ILO về Tự do hiệp hội và Bảo vệ quyền tổ chức, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, hiện nay, Việt Nam đã và đang tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng các nghĩa vụ của Việt Nam khi gia nhập Công ước, đánh giá sự tương thích của pháp luật Việt Nam, học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới.

Ngoài ra, Thứ trưởng thông tin thêm về việc dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi đang được thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội lần này. Dự thảo này có nhiều nội dung tiến bộ liên quan đến quyền của người lao động.

Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục nghiên cứu việc gia nhập Công ước 87 trên cơ sở tham vấn ý kiến các bộ, ngành, cơ quan liên quan; khảo sát, đánh giá tình hình thực tiễn …

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc phụ trách Châu Phi, Caribe và Châu Á, Thái Bình Dương, Thương mại và Phát triển bền vững và Thỏa thuận xanh của Tổng vụ Thương mại Ủy ban Châu Âu Dora Correia, đánh giá: Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của EU trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hai bên cũng đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương trong thời gian tới. Việt Nam đã thực sự có những bước tiến lớn trong nỗ lực cải cách pháp luật lao động và đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo những cam kết trong Hiệp định EVFTA.

Giám đốc Dora Correia tin tưởng với sự nỗ lực của mình, Việt Nam sẽ sớm phê chuẩn việc gia nhập Công ước 87 và thông qua Nghị định quy định về Tổ chức đại diện người lao động và Thương lượng tập thể. Đồng thời khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam triển khai các cam kết liên quan đến phát triển bền vững, việc làm thỏa đáng và các cam kết khác trong Hiệp định EVFTA để hợp tác về thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ngày càng phát triển.

Vũ Thu (TC BHXH)