“Chuyển dịch năng lượng công bằng - Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam”
22/09/2023 09:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng ngày 20/9, tại Hà Nội, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam chủ trì Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng công bằng - Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam?Góc nhìn của Đức và Việt Nam về nhu cầu lao động và kỹ năng”. Hội thảo thu hút trên 200 đại biểu tham gia trực tiếp và 300 đại biểu tham gia trực tuyến đến từ các cơ quan hữu quan như: Quốc Hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện nghiên cứu Việc làm Đức, Viện Tương lai Bền vững – Đại học Công nghệ Sydney và các đại diện khu vực tư nhân. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà tham dự và phát biểu tại Hội thảo.
Hội thảo đã phân tích và đánh giá tiềm năng mà chuyển dịch năng lượng mang lại cho sự phát triển kinh tế cũng như thị trường lao động của Việt Nam, trong đó chuyển dịch năng lượng được nhấn mạnh cần phải xem xét đến các khía cạnh xã hội, văn hóa, môi trường, kinh tế và bản sắc để đảm bảo chuyển dịch công bằng, không bỏ lại ai phía sau.
TS. Guido Hildner, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Guido Hildner, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam nhấn mạnh mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam là đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050 và cam kết về Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng toàn diện (JETP) đã được Việt Nam và các Thành viên G7 ký kết vào tháng 12 năm ngoái.Đồng thời khẳng định, Đức là Đối tác lâu dài và đáng tin cậy của Việt Nam. Dự án chung đầu tiên của hai bên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã bắt đầu vào năm 2009. Kể từ đó, sự hợp tác đã không ngừng phát triển và hiện bao gồm danh mục tổng thể gồm các dự án đang triển khai và đã lên kế hoạch trị giá hơn 1 tỷ Euro.
Chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này, Đại sứ Guido Hildner cho biết: Ở Đức, số lượng nhân viên làm việc trong các ngành nghề có kỹ năng xanh đã tăng 56,7% lên 5 triệu từ năm 2012 đến năm 2020. Điều này cho thấy quá trình chuyển đổi năng lượng là một quá trình phức tạp và đòi hỏi khắt khe nhưng rằng cũng có những cơ hội to lớn mang lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế.
Trong lĩnh vực tạo việc làm xanh, qua mối quan hệ hợp tác lâu dài, phía Đức đã nâng cao quá trình chuyển dịch việc làm cùng các đối tác Việt Nam như kỹ thuật điện, điện tử…, đào tạo kỹ năng cho học viên trong lắp đặt điện mặt trời mái nhà, hàng năm có hàng chục nghìn sinh viên được hưởng lợi tại 11 trường nghề; trong đó 79% sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Các chương trình đào tạo dựa trên tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp các yêu cầu của Việt Nam. Đặc biệt là các chương trình hỗ trợ cho các nhóm thiệt thòi để họ tìm việc làm, bền vững.
"Rõ ràng, quản lý chuyển dịch năng lượng công bằng là vấn đề phức tạp nhưng với nhu cầu lao động cao, Việt Nam sẽ cần các quyết định mang tính lâu dài từ phía nhà nước, sự thúc đẩy sáng tạo đổi mới trong khu vực công và tư nhân, huy động nguồn đầu tư công - tư, đặc biệt trong hiện đại hóa lưới điện cũng như tăng hơn nữa sản xuất điện năng lượng tái tạo", Đại sứ Guido Hildner cho hay.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho biết: Chuyển dịch năng lượng với việc tìm kiếm các nguồn năng lượng xanh, sạch thay thế cho các nguồn năng lượng truyền thống sẽ tạo ra các cơ hội mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu theo hướng bền vững và công bằng hơn. Đồng thời giảm thiểu tác động xấu, tiêu cực của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng đến môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
"Đối với việc thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, với các cam kết mạnh mẽ việc việc phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 tại COP 26, Việt Nam đã và đang tập trung xây dựng và ban hành khung khổ chiến lược và chính sách mới liên quan để hiện thực hóa mục tiêu trên".
Tuy nhiên, theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, để đảm bảo chuyển dịch năng lượng thành công, hiệu quả, vấn đề chuyển dịch việc làm xanh, tìm kiếm các cơ hội việc làm công bằng trong thị trường lao động liên quan đến năng lượng tái tạo, năng lượng mới cũng là một nội dung quan trọng, cần phải chủ động có chiến lược, kế hoạch đầy đủ cho việc đào tạo, chuyển dịch nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng xanh, đảm bảo vừa khai thác, phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực hiện có, vừa ứng dụng, phát huy các thành tựu tiên tiến của khoa học, công nghệ, các kỹ năng lao động mới liên quan đến chuyển dịch năng lượng.
Ông Tạ Đình Thi cũng đánh giá, với chức năng, nhiệm vụ được giao gắn với công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đối ngoại và công tác khác liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội rất quan tâm đến các vấn đề liên quan đến chuyển dịch năng lượng công bằng và mong muốn lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của các diễn giả, đại biểu tham dự hội thảo. "Những đóng góp này sẽ là nguồn thông tin quý giá để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu trong việc thực thi các nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong các hoạt động liên quan đến lĩnh vực năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững"- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu.
Việt Nam hiện là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch với dân số khoảng 100 triệu người; trong đó có 51% là dân số trong độ tuổi lao động. Do đặc điểm về vị trí địa lý, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ tổn thương trước sự tác động của biến đổi khí hậu, đứng thứ 5 về chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2018 và thứ 8 về chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn.
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2045 cả nước có trên 75% là năng lượng tái tạo. Các nghiên cứu hiện nay cũng chỉ ra rằng, đối với năng lượng gió và mặt trời, khoảng 25% số việc làm tạo ra là dành cho lao động tay nghề cao. Xu hướng lao động có tay nghề cao trong ngành dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong thập kỷ tới tại Việt Nam. Do đó, năng lực đào tạo tại các cơ sở đào tạo cần phải thích ứng với xu hướng phát triển này để có thể tạo ra việc làm và đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: Với vai trò là một trong những thành viên tham gia triển khai Tuyên bố JETP, trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng kế hoạch triển khai và đưa ra các giải pháp nằm thúc đẩy việc làm và phát triển kỹ năng gắn với dịch chuyển năng lượng ở Việt Nam như: tạo thêm cơ hội việc làm thông qua hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển các ngành, phát triển các chuỗi giá trị liên quan đến dịch chuyển năng lượng; xây dựng các tiêu chuẩn nghề liên quan đến các ngành, nghề năng lượng tái tạo và thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho việc chuyển đổi năng lượng….
Trong phiên thảo luận tập trung buổi sáng, các chuyên gia quốc tế đã thảo luận, chia sẻ câu chuyện chuyển dịch năng lượng trên thế giới, nêu bật các cơ chế thành công; đồng thời làm rõ tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng lực lượng lao động, xây dựng cơ chế, chính sách có tầm nhìn dài hạn để thúc đẩy sự phát triển các loại hình việc làm mới liên quan đến chuyển dịch năng lượng.
Buổi chiều, các đại biểu có buổi thảo luận nhóm chuyên sâu ở 05 lĩnh vực: Năng lượng gió; Năng lượng mặt trời; Vai trò của phụ nữ trong ngành năng lượng, Hiệu quả năng lượng và Giao thông xanh. Các đại biểu đến từ khu vực công và tư cùng phân tích và đề xuất các giải pháp đột phá cho quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng ở Việt Nam. Các chuyên gia đều xác nhận tính cấp thiết của việc thúc đẩy các biện pháp phát triển kỹ năng và thúc đẩy việc làm để hiện thực hóa tiềm năng việc làm. Đồng thời cần lưu tâm đến vấn đề bình đẳng giới và đề cao vai trò của phụ nữ trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Hội thảo mong muốn tạo ra một diễn đàn để đưa chủ đề Chuyển dịch năng lượng gắn liền với Chuyển dịch việc làm đến gần với công chúng và quan trọng hơn hết là Việt Nam có những quyết sách đúng đắn và phù hợp để chuyển dịch năng lượng một cách công bằng và bền vững.
Theo Cổng TTĐT Bộ LĐ-TB&XH
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển ...
BHXH tỉnh Tiền Giang: Triển khai nhiệm vụ BHXH, BHYT năm ...
Bản tin Audio số 46 - Tuần 2 tháng 1/2025
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?