Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
07/09/2023 11:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, từ nay đến hết nhiệm kỳ, khối lượng công việc của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan đều rất lớn và còn có thể phát sinh nhiều vấn đề mới cần xử lý. Trong bối cảnh như vậy, việc triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, nhất là luật, nghị quyết vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 đòi hỏi nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan, tổ chức nhằm đưa các quyết sách của Quốc hội vào cuộc sống, đóng góp thiết thực vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết 27 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII và Kết luận 19 của Bộ Chính trị. Tiếp tục siết chặt kỷ luật, tăng cường kỷ cương, trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thực hiện nghiêm các kết luận, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội qua giám sát để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật. Tiếp tục xác định thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của Chính phủ, các ngành, cấp, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cả ở Trung ương và địa phương; bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Chính phủ phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm nguồn lực và các điều kiện cần thiết cho công tác thi hành pháp luật; rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo lĩnh vực phụ trách kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua; kịp thời hướng dẫn, có giải pháp xử lý hiệu quả các vấn đề đang có vướng mắc, bất cập, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và đúng quy định của luật, nghị quyết, đặc biệt là trong việc triển khai các nhiệm vụ, các quy định mới được xác định tại các luật, nghị quyết rất quan trọng như: Luật Đấu thầu; Luật Giá; Luật Giao dịch điện tử; Luật Hợp tác xã; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh… Tăng cường, đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, nội dung, địa bàn, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa, khắc phục cho được tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết; đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương ban hành.
Tập trung nỗ lực hoàn thành việc ban hành, bảo đảm chất lượng 83 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết quy phạm pháp luật của Quốc hội khóa XV, đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật; chậm nhất trong tháng 9/2023 phải hoàn thành xây dựng, ban hành 2 nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Đối với 8 luật có hiệu lực thi hành trong năm 2024, khối lượng văn bản quy định chi tiết dự kiến ban hành rất lớn (68 văn bản), Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ có kế hoạch cụ thể, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý, đầu tư nguồn lực để xây dựng, ban hành đầy đủ, chất lượng các văn bản, bảo đảm có cùng hiệu lực với thời điểm có hiệu lực của luật, nghị quyết, nhất là với các luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
Cùng với đó là thực hiện nghiêm túc, khẩn trương việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, kịp thời phát hiện các quy định qua thi hành có phát sinh vướng mắc, cản trở, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Nâng cao hiệu quả, chất lượng, tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật gắn với theo dõi, đôn đốc, kiểm tra trách nhiệm tổ chức thi hành; hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý trách nhiệm và xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, “giấy phép con”, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi; chấm dứt việc sử dụng hình thức văn bản hành chính để đặt ra các thủ tục, yêu cầu khác với quy định của pháp luật.
Tập trung hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, 2024 theo Nghị quyết 89 của Quốc hội gắn với việc tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ lập pháp còn lại của cả nhiệm kỳ, các giải pháp, yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Nhấn mạnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 rất lớn, nhiều dự án có nội dung phức tạp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cần tuân thủ nghiêm túc quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lập đề nghị và xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; không đề nghị bổ sung dự án, dự thảo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Tập trung thời gian, nguồn lực soạn thảo, bảo đảm chất lượng và sự thống nhất giữa các Bộ, ngành có liên quan trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quán triệt yêu cầu tại Nghị quyết 27 của Đảng về việc: “Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép; những chủ trương đã thực hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời”.
Bên cạnh đó, cần khẩn trương rà soát, kiến nghị bổ sung nhiệm vụ lập pháp để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chú trọng thể chế hóa và triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về chống tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tiếp tục nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc theo dõi, đôn đốc và giám sát Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội; chú trọng giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, kể cả tiến độ, chất lượng văn bản, coi đây là nhiệm vụ quan trọng cần tiến hành thường xuyên; chủ động theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, nghị quyết giám sát, chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị giám sát của các cơ quan của Quốc hội về việc thực hiện các luật, nghị quyết trong các lĩnh vực cụ thể.
Tăng cường phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng, thực hiện kế hoạch ban hành văn bản quy định chi tiết để bảo đảm các văn bản này được ban hành đầy đủ, kịp thời và có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết.
Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, nghị quyết; kiểm soát việc thực hiện nghiêm yêu cầu “dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh”.
Các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh giám sát công tác thi hành pháp luật, triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội tại địa phương. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục tăng cường và thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế để phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân đối với công tác xây dựng, ban hành và thực thi văn bản quy phạm pháp luật...
Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, đặc biệt là tại các địa phương đang thực hiện thí điểm theo các nghị quyết của Quốc hội tiếp tục nâng cao tính chủ động, trách nhiệm và sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện quy định pháp luật ở địa phương; huy động sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, sự ủng hộ và đồng hành của các tầng lớp nhân dân ở địa phương, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành ở Trung ương; đề ra lộ trình, giải pháp triển khai phù hợp, ban hành kịp thời các đề án, quy định, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ của chính quyền địa phương trong triển khai nghị quyết của Quốc hội; đồng thời phát hiện sớm những bất cập trong quá trình thực hiện ngay từ cấp cơ sở để kiến nghị sửa đổi cho phù hợp, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông những nút thắt thể chế để thúc đẩy phát triển, phát huy ý nghĩa, tác dụng thiết thực của các chính sách do Quốc hội ban hành. Hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật
Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc tổ chức Hội nghị về công tác triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội là một điểm mới trong hoạt động của Quốc hội khóa XV nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác xây dựng và thực thi pháp luật. Nghị quyết của Trung ương đã nhấn mạnh đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Đổi mới cơ chế thi hành pháp luật gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu quả và hiệu lực.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tổ chức các hội nghị hoặc hình thức phù hợp nhằm quán triệt, triển khai nội dung cụ thể của các luật, nghị quyết do Quốc hội ban hành thuộc trách nhiệm triển khai hoặc có liên quan trực tiếp tới cơ quan, tổ chức, địa phương mình. Hội đồng nhân dân các cấp nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm để tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm bảo đảm quan triệt đầy đủ, đôn đốc và giám sát nghiêm túc việc triển khai các nghị quyết của mình.
Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tổng kết, thống nhất nội dung, phương pháp tổ chức, cách thức tiến hành Hội nghị triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp, góp phần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả theo Nghị quyết của Đảng; đồng thời tổng hợp các kiến nghị, đề xuất tại Hội nghị để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
PV (Theo TTXVN)
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
Báo chí có đóng góp rất quan trọng vào kết quả nổi bật của ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?