Thủ tướng: Sớm đưa người lao động trở lại sản xuất an toàn, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động
18/10/2021 02:38 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2021 chiều 16/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý một số nhiệm vụ quan trọng là khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn...
Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Buổi làm việc nhằm đánh giá kết quả công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2021 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá, thời gian qua, Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, thiết thực, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, nhất là trong chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Đến nay, đã có hơn 19 triệu người dân, người lao động (theo Nghị quyết 68/NQ-CP) được nhận hỗ trợ với số tiền gần 16.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khoảng 38 nghìn tỷ đồng từ Quỹ BH thất nghiệp đã được triển khai hỗ trợ cho gần 13 triệu lao động, gần 390 nghìn người sử dụng lao động (theo Nghị quyết 116/NQ-CP)…. Công đoàn các cấp đã hỗ trợ đoàn viên, người lao động với tổng số tiền hơn 5.500 tỷ đồng.
Các đại biểu cho rằng, nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu trong giai đoạn hiện nay là khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, cần sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn, có thu nhập, ổn định cuộc sống; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng cho rằng sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động trong bối cảnh đặc biệt từ đầu năm tới nay đã góp phần giúp mỗi bên hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
“Công tác phối hợp chặt chẽ, không câu nệ, giảm thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện hiệu quả. Qua khó khăn, thách thức, vai trò, tầm quan trọng của Tổng Liên đoàn, công đoàn các cấp càng được khẳng định, vị thế, uy tín của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị càng được nâng cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ảnh minh hoạ (nguồn ảnh: Internet)
THÍCH ỨNG AN TOÀN, TRÁNH ĐỨT GÃY CHUỖI CUNG ỨNG LAO ĐỘNG
Về trọng tâm công tác phối hợp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị, trước hết hai bên cần phối hợp trong triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và phối hợp theo quy chế, góp phần nâng cao vị thế, vai trò mỗi bên, góp phần bảo vệ, tăng cường lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động gắn với xây dựng giai cấp công nhân hiện đại.
Trước mắt, phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa phòng, chống dịch thành công, vừa mau chóng khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
"Kiểm soát được dịch bệnh thì mới có thể khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ngược lại, có khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thì mới có nguồn lực chống dịch và bảo đảm các nhu cầu khác của đất nước. Chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nhưng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đồng thời cũng không mất bình tĩnh, hoảng hốt, hoang mang, lo sợ, trong quá trình phối hợp phải quán triệt tinh thần này", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ quan trọng là khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn. Người đứng đầu chính phủ nêu nhiều giải pháp cụ thể như bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội, bảo vệ, nâng cao lợi ích (cả vật chất và tinh thần) chính đáng và hợp pháp của người lao động; xây dựng chương trình nâng cao tay nghề cho người lao động và công nhân, đi đôi với phát triển sản xuất kinh doanh để tạo công ăn việc làm ổn định…
Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai khai các phong trào thi đua vượt khó, “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “năng suất cao, chất lượng tốt”, “mỗi người làm việc bằng hai” cùng cả nước phòng chống dịch, phục hồi kinh tế…
Tổng Liên đoàn phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt cho người lao động, trước hết là kỹ năng nghề, kiến thức pháp luật, ý thức chính trị, bản lĩnh giai cấp, tác phong công nghiệp, tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó với doanh nghiệp...
Công đoàn phải là một kênh tham gia triển khai một trong ba khâu đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng lưu ý, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam, nhất là ở cấp cơ sở. Xây dựng công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chính phủ sẽ phối hợp với Tổng Liên đoàn tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công đoàn, giai cấp công nhân, người lao động, tạo hành lang pháp lý tốt nhất bảo vệ người lao động...
CHĂM LO VẤN ĐỀ NHÀ Ở VÀ ĐỜI SỐNG CỦA CÔNG NHÂN
Thủ tướng đề nghị tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động hiểu, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chia sẻ với khó khăn chung của đất nước, đoàn kết, đồng thuận đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn.
Thực hiện tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Toàn cảnh buổi làm việc (nguồn ảnh: Internet)
Các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, vấn đề nhà ở, trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí… Phối hợp, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là người đứng đầu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thủ tướng giao các Bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy định hiện hành khẩn trương xử lý, giải quyết các kiến nghị của Tổng Liên đoàn.
Trong đó, về vấn đề nhà ở công nhân, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết theo hướng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; bố trí, quy hoạch quỹ đất; có cơ chế phù hợp với cơ chế thị trường để huy động các nguồn lực, nhất là hợp tác công tư để công đoàn, địa phương và các doanh nghiệp tham gia, đồng thời bố trí kinh phí đầu tư công trung hạn cho công tác này. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng dự kiến bố trí thêm kinh phí để tăng cường đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân.
Về vấn đề đời sống công nhân, Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước đã và đang rất quyết liệt, tích cực triển khai chiến lược vaccine, ngoại giao vaccine, phấn đấu trong quý IV bao phủ vaccine cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có công nhân.
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, khẩn trương chỉ đạo thực hiện lộ trình để học sinh trở lại trường học tại những nơi an toàn.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?