Thủ tướng: Chính sách phòng, chống dịch phải thống nhất toàn quốc
18/10/2021 02:25 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 17/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố để đánh giá kết quả bước đầu công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong đợt thứ 4 và bàn các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Dự họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các Phó thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội; Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Dự họp tại các điểm cầu ở các địa phương có Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và các sở, ngành liên quan.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau hơn 5 tháng kể từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, lây lan, đến nay dịch đã cơ quản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã nới lỏng giãn cách xã hội, chuyển từng bước sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.
Theo Thủ tướng, công tác phòng, chống dịch COVID-19 là việc chưa có tiền lệ, vừa thực hiện, vừa bổ sung, hoàn thiện. Tại Hội nghị này, Ban Chỉ đạo quốc gia và Ban Chỉ đạo các địa phương sẽ rà soát tình hình sau một tuần thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ. Đặc biệt, xem xét về những vấn đề còn vướng mắc trong quy định, nhất là những vướng mắc trong quá trình thực hiện để có điều chỉnh kịp thời. Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên tắc chung là chính sách phải thống nhất toàn quốc, cấp dưới phải phục tùng cấp trên; cấp dưới không được ban hành quy định trái với quy định của cấp trên; nếu địa phương thực hiện quy định ở mức độ cao hơn, sớm hơn thì phải báo cáo với cấp trên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sơ kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Trên cơ sở kết quả cuộc họp này, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia sẽ có điều chỉnh, hoàn thiện để thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh và khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả hơn. Theo Ban Chỉ đạo, đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài trên nhiều địa phương; các ca lây nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn, vượt hơn nhiều so với dự báo. Dịch bệnh đã tác động hết sức nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng sâu sắc mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước; đặc biệt làm đình trệ hoạt động sản xuất, tác động tiêu cực đến việc làm, sinh kế, tâm lý của nhân dân, nhất là người lao động, cộng đồng doanh nghiệp. Dịch bệnh tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn gây quá tải hệ thống y tế và làm tăng các ca tử vong, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đợt dịch lần thứ 4 này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế trên một số lĩnh vực. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42%, quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là các địa phương trọng điểm kinh tế. Tình hình tài chính - ngân sách gặp khó khăn, phải huy động các quỹ dự trữ để chi phòng, chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội. Thu nhập, việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là đối với người lao động tại các khu công nghiệp, người dân sống phụ thuộc các nghề dịch vụ. Tỷ lệ thất nghiệp riêng trong quý III/2021 là 3,72%, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất từ quý I/2020 đến nay.
Hội nghị trực tuyến với các điểm cầu tại các địa phương trong cả nước. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, với sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã hết sức cố gắng triển khai nhiều chủ trương, biện pháp với tinh thần trách nhiệm rất cao, rất quyết liệt, chỉ đạo kịp thời cùng với sự hưởng ứng cao của người dân, sự vào cuộc của các cấp, các ngành nên đã từng bước khống chế được dịch bệnh ở tâm dịch là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, không để dịch bệnh lan rộng ra toàn quốc.
Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 vẫn có những kết quả đáng ghi nhận. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. An sinh xã hội, đời sống của người dân được đặc biệt quan tâm; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong điều kiện khó khăn, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hoạt động đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả. So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam là nước dân số đông, mật độ dân cư cao, thiếu vaccine, nên phòng, chống dịch hết sức khó khăn. Những kết quả quan trọng này rất đáng trân trọng, góp phần tạo động lực, niềm tin, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất của mọi tầng lớp trong xã hội, tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Phát biểu tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, đợt dịch lần thứ 4 là hết sức phức tạp, diễn biến nhanh và nguy hiểm; việc ứng phó với dịch ban đầu còn lúng túng, khó khăn, nhất là trong điều kiện chúng ta thiếu thốn nhiều mặt, dịch bệnh không có tiền lệ, tỷ lệ tiêm vaccine thấp... Song nhờ có sự quyết tâm, thống nhất, đồng lòng, chung sức, đặc biệt là có sự sáng suốt, quyết định quan trọng, linh hoạt, nhất là chuyển hướng lấy xã, phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ trong phòng, chống dịch; phòng, chống, xử lý dịch bệnh ngay tại cơ sở; quyết định huy động chi viện lực lượng cho các điểm “nóng” của dịch; thực hiện quyết liệt chiến lược vaccine... Các đại biểu cũng cho rằng, kết quả phòng, chống dịch hiện nay chỉ là bước đầu nên không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; cần tiếp tục đẩy mạnh chiến lược vaccine; củng cố lực lượng phòng, chống dịch ở cơ sở, nhất là lực lượng y tế; việc thực hiện hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh tại một số địa phương còn vướng mắc, nhất là việc tổ chức kiểm soát di chuyển, lưu thông giữa các địa phương; quy định đối tượng được phép di chuyển, áp dụng thời gian cách ly và hình thức cách ly còn có sự khác nhau... Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định việc chuyển hướng sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế-xã hội là đúng hướng; đồng thời xác định, hậu quả của dịch bệnh, nhất là của đợt dịch thứ 4 là rất lớn, nhiều mặt, do đó thời gian tới phải có giải pháp toàn diện, kịp thời, hiệu quả. Theo Thủ tướng, kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch như trên, trong điều kiện hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn là rất đáng trân trọng, nghi nhận. Tuy nhiên vẫn còn có những bất cập, hạn chế cả trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở các cấp, ngành, địa phương, cần tiếp tục nghiên cứu, rút ra bài học để khắc phục. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; sự hưởng ứng, chia sẻ và tham gia của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là sự nỗ lực vượt bậc của các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch trong đợt dịch COVID-19 thứ 4 vừa qua tại nước ta; chia sẻ sự mất mát về người, về sức khỏe, của cải của nhân dân, thiệt hại của các doanh nghiệp do dịch bệnh. Theo Thủ tướng Chính phủ, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm được rút ra từ kết quả trên trước hết là nhờ sự đoàn kết, nhất trí, vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Trong đó, có sự lãnh đạo thống nhất, tập trung, nhất quán từ Trung ương đến cơ sở; đảm bảo sự lãnh đạo của Trung ương; tính linh hoạt, sáng tạo của địa phương; sự vào cuộc, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp; sự ủng hộ của kiều bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế. Bênh cạnh đó, chúng ta đã kế thừa được những thành tựu trước đây, học hỏi kinh nghiệm bàn bè quốc tế và sáng tạo, linh hoạt, bám sát thực tế để có những quyết sách phòng chống dịch phù hợp. Theo đó, thực hiện phân cấp, phân quyền đi đôi với bố trí nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ và kiểm tra, giám sát; linh hoạt trong tổ chức thực hiện; không lơ là, chủ quan mất cảnh giác và không mất bình tĩnh, thiếu tỉnh táo. Các biện pháp y tế được áp dụng vừa qua có hiệu quả, với các trụ cột: Cách ly phong tỏa nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt, chặt chẽ nhất, có mục tiêu, lộ trình cụ thể; xét nghiệm thần tốc, khoa học, hợp lý, hiệu quả, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch; điều trị từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở. Các biện pháp phòng, chống dịch hoàn thiện theo công thức: 5k + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của người dân và các biện pháp khác. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình và diễn biến dịch bệnh; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện chương trình tổng thể về phòng, chống dịch và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội để tiếp tục thực hiện hiệu quả 2 nhiệm vụ: vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế-xã hội. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, làm tốt công tác an sinh, xã hội; khôi phục chuỗi cung ứng lao động; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; khẩn trương có giải pháp mở cửa trở lại các trường học tại những nơi đảm bảo an toàn; có giải pháp chăm sóc trẻ môi côi do dịch COVID-19; triển khai mạnh mẽ chiến lược vaccine, trong đó thực hiện tốt chiến dịch tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả, kịp thời; tiếp tục củng cố cơ sở điều trị để điều trị kịp thời, hiệu quả cho các ca mắc COVID-19 mới. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trước mắt, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến của các đại biểu; tranh thủ, lắng nghe các góp ý của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các nội dung như quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ. Việc xây dựng các quy định phải dựa trên nguyên tắc lãnh đạo tập trung, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Trong đó Trung ương đưa ra các quy trình, tiêu chí, quy định; các địa phương, cơ sở tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?