Nhiều chính sách mới quan trọng có hiệu lực từ tháng 01/2020

27/12/2019 03:10 PM


Tăng lương tối thiểu vùng; Quy định mới về mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng; tăng hệ số rủi ro cho vay bất động sản; siết cho vay tiêu dùng; phạt nặng chủ đầu tư chậm làm Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho cư dân… là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2020.

Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2020

Nghị định 90/2019/NĐ-CP ban hành ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

Theo đó, từ ngày 1/1/2020, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 150.000 đồng đến 240.000 đồng so với mức áp dụng năm 2019.

Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng I tăng từ 4.180.000 đồng/tháng lên 4.420.000 đồng/tháng; Vùng II tăng từ 3.710.000 đồng/tháng lên 3.920.000 đồng/tháng; Vùng III tăng từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.430.000 đồng/tháng; vùng IV tăng từ 2.920.000 đồng/tháng lên 3.070.000 đồng/tháng.

Tăng hệ số rủi ro cho vay bất động sản

Thông tư số 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước quy định: từ 1/1/2020, các khoản cho vay để phục vụ kinh doanh bất động sản sẽ bị áp hệ số rủi ro 200% (hiện tại là 150%). Đồng thời, hệ số rủi ro với các khoản cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu mua nhà cũng bị áp dụng từ 50% đến 150% tùy giá trị giải ngân.

Trong đó, các khoản cho vay được đảm bảo toàn bộ bằng nhà ở (gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất sẽ có hệ số rủi ro 50% đáp ứng một số điều kiện (khoản vay cá nhân để mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ và khoản cho vay cá nhân mua nhà dưới 1,5 tỷ đồng).

Đối với các khoản cho vay tiêu dùng cá nhân từ 4 tỷ trở lên (sau khi trừ đi khoản cho vay khách hàng đã áp dụng hệ số rủi ro 50%) sẽ bị áp hệ số rủi ro 120% (từ 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2020) và sau đó sẽ nâng lên 150% (từ 1/1/2021).

Quy định mới về vốn pháp định của tổ chức tín dụng 

Nghị định 86/2019/NĐ-CP của Chính phủ sẽ có hiệu lực từ 15/01/2020 quy định cụ thể về mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Trong đó, vốn pháp định tối thiểu để thành lập, hoạt động ngân hàng thương mại và ngân hàng hợp tác xã tại Việt Nam là 3.000 tỷ đồng. Trong khi vốn để hoạt động ngân hàng chính sách được yêu cầu sẽ là 5.000 tỷ.

Với nhà đầu tư, ngân hàng nước ngoài muốn mở chi nhánh tại thị trường Việt Nam, mức vốn tối thiểu phải đáp ứng sẽ là 15 triệu USD.

Ngoài ra, nghị định cũng quy định mức vốn tối thiểu để mở và duy trì công ty tài chính là 500 tỷ đồng; công ty cho thuê tài chính là 150 tỷ và 5 tỷ đồng với tổ chức tài chính vi mô….

Chậm làm Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, chủ đầu tư sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng

Theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP ban hành ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 05/01/2020, tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng.

Bỏ quy định cấp chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B, C

Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 6/6/2008 ban hành quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên sẽ có hiệu lực từ ngày 15/01/2020.

Những chứng chỉ ngoại ngữ đã cấp theo Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT trước đó thì vẫn có giá trị sử dụng.

Các khóa đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên đang triển khai thực hiện trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện việc đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ cho đến khi kết thúc.

Dùng ví điện tử không quá 100 triệu/tháng

Cũng có hiệu lực từ 01/01/2020, Thông tư 23/2019/NĐ-CP của Ngân hàng Nhà nước quy định tổng hạn mức giao dịch qua ví điện tử của một khách hàng cá nhân tại một tổ chức cung ứng ví điện tử không quá 100 triệu/tháng.

So với dự thảo, Thông tư 23/2019/NĐ-CP đã bãi bỏ hạn mức giao dịch theo ngày của khách hàng cá nhân qua ví điện tử là tối đa 20 triệu/ngày.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng không quy định hạn mức giao dịch với ví điện tử của khách hàng tổ chức như dự thảo đưa ra là tối thiểu 100 triệu/ngày và không quá 500 triệu/tháng.

Theo các chuyên gia, việc không giới hạn mức giao dịch theo ngày của cá nhân sẽ khuyến khích, thúc đẩy người dân sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt./.

Quyết Thắng