Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đáp ứng kỳ vọng cử tri, mong mỏi của mỗi gia đình
04/11/2024 08:58 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 3/11, cho ý kiến vào Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định đây là chương trình rất quan trọng đối với quốc gia, đất nước, dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến vào Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Báo cáo tóm tắt Tờ trình, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang nhấn mạnh: Việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp thiết, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện nhằm tập trung đầu tư, giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến ma túy để ngăn chặn những hệ lụy nghiêm trọng của ma túy đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững của đất nước.
Chương trình nhằm tiếp nối và phát huy các thành tựu, kết quả đạt được của Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 trên các mặt công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tuyên truyền phòng ngừa; đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai.
Đồng thời, tiếp tiếp tục thực hiện các nội dung mà Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành; triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các cam kết quốc tế của Việt Nam về phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Quang cảnh phiên họp.
Cho ý kiến vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là chương trình trọng tâm, trọng điểm về phòng chống ma túy.
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống ma túy cũng như các ban bộ, ngành và lực lượng chức năng thời gian qua triển khai hết sức quyết liệt và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, số liệu báo cáo cho thấy tình trạng số người nghiện ma túy, mắc bệnh HIV/ AIDS, mại dâm, số vụ mua bán ma túy tiếp tục gia tăng, tiếp tục báo động.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá: Thời gian qua, chúng ta đã đầu tư nhiều nguồn ngân sách cho công tác phòng chống ma túy, và đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ma túy là hiểm họa của toàn nhân loại, gây tác hại rất lớn đối với mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, sức khỏe, giống nòi. Do đó, việc triển khai Chương trình sẽ đáp ứng được mong đợi cử tri, người dân, và mong mỏi của mỗi gia đình.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần làm rõ nguyên nhân, đưa ra giải pháp triệt để, căn cơ, dài hạn, triệt để phòng ngừa ma túy, thắt chặt kiểm soát tại các điểm nóng, các khu dịch vụ giải trí. Đồng thời, trong xây dựng Chương trình, cần cân nhắc việc đặt ra những chỉ tiêu hợp lý, cân đối nguồn vốn, nhằm bảo đảm đáp ứng kỳ vọng của cử tri, nhân dân cũng như tính khả thi trong quá trình triển khai, hành động.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần rà soát thận trọng, loại trừ những trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác; Nghiên cứu kỹ cơ chế phối hợp, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của từng bộ ngành, trên tinh thần gọn đầu mối, giảm số lượng văn bản hướng dẫn, tăng cường phân cấp phân quyền, nâng cao hiệu quả thực thi.
Tham gia thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Phòng chống ma túy là công tác rất quan trọng, vì ma túy là nguồn gốc của nhiều tệ nạn, nhiều loại tội phạm nguy hiểm. Bên cạnh đó, ma túy, gây ảnh hưởng đến nòi giống, an sinh xã hội, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của cả đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết: Theo danh mục tại Nghị định 73/2018/NĐ-CP cho thấy, hiện có tới 515 loại ma túy và 44 tiền chất có thể sản xuất ra ma túy, như vậy, ma túy ngày càng xuất hiện nhiều chủng loại, dạng thức, trong đó có những loại ma túy tổng hợp rất mới, khó kiểm soát, rất nguy hiểm. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, số vốn đề xuất chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 22 nghìn tỷ đồng là còn hạn chế, cần cân nhắc, tính toán kỹ để sử dụng hợp lý, chi cho những nhiệm vụ thật trọng tâm, bảo đảm đem lại hiệu quả lớn.
Nhấn mạnh vị trí, tầm quan trọng của Chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-an ninh Lê Tấn Tới khẳng định đây là Chương trình hết sức đặc biệt, đặc thù, bởi tội phạm ma túy trước đây thuộc lĩnh vực tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội, tuy nhiên hiện nay, ma túy được Liên hợp quốc coi là một nguy cơ về an ninh phi truyền thống. Do đó, ma túy là vấn đề của toàn cầu, không một quốc gia riêng lẻ nào có thể giải quyết được vấn nạn này.
Nhấn mạnh con số, 87,1% số người nghiện ma túy trong nước là tội phạm ma túy, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-an ninh Lê Tấn Tới cho rằng, việc xây dựng Chương trình là rất kịp thời, cần thiết đối với đất nước, góp phần cùng thế giới trong công tác phòng chống ma túy.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-an ninh lưu ý cần có những giải pháp bịt kín sơ hở trong công tác quản lý hàng không, biên giới đất liền, trên biển cũng như trách nhiệm cụ thể của từng lực lượng chuyên trách; Áp dụng khoa học công nghệ trong công tác cai nghiện; Huy động các nhà khoa học nghiên cứu các biện pháp cai nghiện, thuốc cai nghiện thay thế có hiệu quả, tác dụng lâu dài.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cần có những giải pháp cụ thể về ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý giám sát, theo dõi người nghiện sau cai nghiện, cũng như theo dõi, phát hiện, giám sát các hoạt động của tội phạm ma túy từ khâu sản xuất, tiêu thụ...
Giải trình, làm rõ một số ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Công an đã quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hồ sơ Chương trình trình Quốc hội xem xét phê duyệt theo đúng thủ tục, quy trình Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm chất lượng, khả thi, toàn diện, xuyên suốt các mặt giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của công tác phòng, chống ma tuý.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, sự chủ động tích cực của Chính phủ, Bộ Công an cùng các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng Chương trình, cơ bản bảo đảm các yêu cầu của Luật Đầu tư công.
Thường trực Ủy ban Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, tổ chức thẩm tra nghiêm túc, kỹ lưỡng.Báo cáo thẩm tra đã nêu nhiều ý kiến cụ thể, chi tiết, xác đáng về các nội dung của Chương trình. Trước những diễn biến của tội phạm ma túy và những hậu quả của hiểm họa khôn lường liên quan đến sức khỏe giống nòi, an ninh quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết của Chương trình, cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương tiếp thu ý kiến tối đa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp thẩm tra, tiếp tục hoàn thiện Chương trình và dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội nghiên cứu, thảo luận trong thời gian tới.
Theo Báo Nhân dân
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
Báo chí có đóng góp rất quan trọng vào kết quả nổi bật của ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?