Ý nghĩa của việc kiểm soát, tối ưu sử dụng quỹ BHYT theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ
08/08/2024 08:17 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Việc kiểm soát chi phí KCB BHYT nhằm tối ưu sử dụng quỹ BHYT, phòng tránh, hạn chế tối đa các chi phí bất hợp lý, lãng phí, để tập trung mọi nguồn lực cho khám, chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh hiếm, bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo và nhóm người có hoàn cảnh khó khăn.
Đổi mới phương pháp, nâng cao trách nhiệm
Ngày 19/10/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT (Nghị định số 75). Nghị định này có nhiều điểm mới theo hướng tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT, nhưng cũng đặt ra trọng trách, yêu cầu cao từ phía các cơ quan liên quan, đặc biệt là ngành BHXH Việt Nam trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT theo quy định.
Theo Nghị định số 75, trên cơ sở dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, BHXH Việt Nam giao dự toán chi khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân (trong phạm vi 90% số dự toán thu BHYT toàn quốc). Sau đó, cơ quan BHXH thực hiện thông báo số dự kiến chi KCB BHYT tới cơ sở KCB; Các cơ sở KCB lập kế hoạch sử dụng kinh phí KCB BHYT trong năm theo số được thông báo. Việc giao số dự kiến chi này không áp dụng làm căn cứ tạm ứng, thanh quyết toán của cơ sở KCB trong trường hợp vượt số dự kiến chi. Theo quy định mới, các chi phí KCB BHYT trong phạm vi quyền lợi được hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT đã được cơ quan BHXH giám định sẽ thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Cơ chế thanh toán theo thực tế các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế,… sử dụng cho người bệnh và mức giá theo quy định hiện hành. Các quy định này tạo điều kiện cho cơ sở KCB nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động và bảo đảm quyền lợi của người bệnh BHYT, quản lý, sử dụng quỹ BHYT an toàn, đúng quy định.
Nghị định tăng cường trách nhiệm của Bộ Y tế trong chỉ đạo các cơ sở KCB tuân thủ các quy định của pháp luật về KCB và BHYT, trong mua sắm, đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế. Đồng thời Nghị định cũng quy định trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc thường xuyên cập nhật, sửa đổi danh mục, điều kiện, phạm vi, tỷ lệ thanh toán đối với các thuốc, vật tư, dịch vụ kỹ thuật, hàng hóa thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, trong việc quy định và hướng dẫn liên thông dữ liệu về kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh thăm dò chức năng, thông tin KCB nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ BHYT.
Về BHXH Việt Nam có trách nhiệm hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng việc tiếp nhận, giám định và phản hồi kịp thời cho cơ sở KCB về dữ liệu KCB BHYT; bảo đảm chính xác, an toàn, bảo mật thông tin và quyền lợi của các bên liên quan; chủ động rà soát, phát hiện và gửi thông tin cảnh báo kịp thời cho cơ sở KCB BHYT về các chi phí KCB BHYT tăng cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở KCB cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thăm hỏi, tặng quà bệnh nhân BHYT được chi trả chi phí lớn
Đối với cơ sở KCB BHYT: Bổ sung quyền: “Được cung cấp thông tin kịp thời khi hệ thống thông tin giám định BHYT phát hiện có gia tăng chi phí KCB BHYT cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở KCB cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa để kịp thời rà soát, kiểm tra xác minh, thực hiện giải pháp điều chỉnh phù hợp”. Tăng cường trách nhiệm của cơ sở KCB trong việc tuân thủ các quy định về mua sắm, đầu thầu, để đảm bảo cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế có chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm. Nghị định cũng quy định các cơ sở KCB phải rà soát, ban hành kịp thời các quy trình, hướng dẫn chuyên môn, các biện pháp phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT theo thẩm quyền; thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát xác minh các chi phí KCB BHYT tăng cao tại cơ sở theo kiến nghị, cảnh báo của cơ quan BHXH và điều chỉnh phù hợp.
BHXH Việt Nam quyết liệt vào cuộc, hiệu quả tích cực
Có thể thấy, Nghị định số 75 quy định rất rõ quyền và trách nhiệm của các bên liên quan trong thực hiện chính sách BHYT, trong đó nhấn mạnh đến mục tiêu kiểm soát, tối ưu sử dụng quỹ BHYT.
Thực hiện đúng các quy định của Luật BHYT và Nghị định số 75, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách BHYT và kiểm soát chi phí KCB BHYT. Trong đó, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị hằng tuần (trực tiếp Tổng Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực chủ trì) tới BHXH cấp tỉnh và BHXH cấp huyện trên toàn quốc, qua đó đã nâng cao trách nhiệm của Giám đốc BHXH tỉnh và công chức, viên chức, người lao động làm công tác giám định BHYT trong việc kiểm soát chi phí KCB BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
BHXH Việt Nam xác định, việc kiểm soát chi phí KCB BHYT nhằm tối ưu sử dụng quỹ BHYT, phòng tránh, hạn chế tối đa các chi phí bất hợp lý, lãng phí, để tập trung mọi nguồn lực cho KCB, đặc biệt là các bệnh hiếm, bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo và nhóm người có hoàn cảnh khó khăn.
Tinh thần này được lãnh đạo BHXH Việt Nam thống nhất, quán triệt thường xuyên. BHXH các địa phương cũng thường xuyên làm việc, giao ban, trao đổi để truyền tải đến đội ngũ lãnh đạo, các y, bác sĩ tại các cơ sở khám chữa bệnh. Qua đó, tất cả cùng chung tay vì mục tiêu chung là đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT và tối ưu sử dụng quỹ BHYT hiệu quả, đúng quy định.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam đã tăng cường chỉ đạo, giao ban triển khai thực hiện chính sách BHYT và kiểm soát chi phí KCB BHYT
Kết quả, công tác kiểm soát chi phí KCB BHYT đạt được những kết quả tích cực, góp phần tối ưu sử dụng quỹ BHYT; kịp thời phát hiện và có giải pháp tháo gỡ các vấn đề vướng mắc, hướng tới sử dụng quỹ KCB BHYT đúng quy định, tiết kiệm và sử dụng nguồn lực đạt hiệu quả nhất.
Báo cáo nhanh của các BHXH tỉnh trong tháng 5/2024 cho thấy, hầu hết các tỉnh đã triển khai công tác cảnh báo và kiểm soát chi phí theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam. Số chi KCB BHYT thanh toán tháng 6/2024, toàn quốc giảm gần 8% so với tháng 5, trong bối cảnh 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc có hơn 88 triệu lượt người đi KCB BHYT tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ người bệnh nội trú là 9,98% tăng 0,08% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy nhiều chi phí bất hợp lý, lãng phí đã được phát hiện, ngăn chặn, từ đó có nguồn lực cho khám, chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh hiếm, bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo và nhóm người có hoàn cảnh khó khăn.
Hiện nay, quỹ BHYT thực hiện chi trả chi phí điều trị cho tất cả các bệnh hiểm nghèo như nhóm bệnh về: tim mạch, ung thư, bệnh hiếm… Đây là các nhóm bệnh sẽ phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời, có chi phí điều trị lớn. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp người dân tham gia BHYT đi KCB được sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, được quỹ BHYT chi trả lên tới hàng tỷ đồng. Nhờ đó, người bệnh vượt qua khó khăn về kinh tế để yên tâm tiếp tục điều trị bệnh.
Box: Theo thống kê của BHXH Việt Nam, một số trường hợp được quỹ BHYT chi trả chi phí lớn từ năm 2023 đến hết tháng 4/2024, cụ thể như sau:
1. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao nhất là hơn 4,465 tỷ đồng: mã thẻ TE1303622XXXXXX, sinh năm 2019, địa chỉ: Phường An Lưu, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, chẩn đoán bệnh chính là “Tăng huyết áp, Đái tháo đường type, Suy thận”.
2. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 2 là 4,372 tỷ đồng: mã thẻ TE1171721XXXXXX, sinh năm 2018, địa chỉ: Phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, chẩn đoán bệnh chính là “Thiếu yếu tố VIII di truyền”.
3. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 3 là hơn 3,687 tỷ đồng: mã thẻ TE1242422XXXXXX, sinh năm 2018, địa chỉ: Xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích luỹ glycogen”.
4. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 4 là hơn 3,684 tỷ đồng: mã thẻ TE1262621XXXXXX, sinh năm 2018, địa chỉ: Phường Tiền Châu, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, chẩn đoán bệnh chính là “Hội chứng loạn sản tuỷ xương, Bệnh bạch cầu cấp loại tế bào không xác định”.
5. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 5 là hơn 3,635 tỷ đồng: mã thẻ TE1353521XXXXXX, sinh năm 2019, địa chỉ: Xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích luỹ glycogen”.
6. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 6 là hơn 3,198 tỷ đồng: mã thẻ TE1010131XXXXXX, sinh năm 2021, địa chỉ: Xã Phú Phương, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích luỹ glycogen”.
7. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 7 là hơn 3,065 tỷ đồng: mã thẻ TE1797939XXXXXX, sinh năm 2020, địa chỉ: Phường Tân Thới Nhất, quận 12, thành Phố Hồ Chí Minh, chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích luỹ glycogen”.
8. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 8 là hơn 3,021 tỷ đồng: mã thẻ TE1262621XXXXXX, sinh năm 2021, địa chỉ: Xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích luỹ glycogen”.
9. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 9 là hơn 2,676 tỷ đồng: mã thẻ TE1363622XXXXXX, sinh năm 2020, địa chỉ: Xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích luỹ glycogen”.
10. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 10 là hơn 2,534 tỷ đồng: mã thẻ TE1262621XXXXXX, sinh năm 2022, địa chỉ: Phường Tiền Châu, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích luỹ glycogen”./.
Phạm Chính
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?