Đẩy mạnh cải cách hành chính, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp
27/07/2022 08:52 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2022 diễn ra vào ngày 26/7.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về: Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuẩn bị; dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Bộ Công Thương chuẩn bị; đề nghị xây dựng Luật Dân số do Bộ Y tế chuẩn bị; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để xây dựng Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các tuyến đường giao thông kết nối do Bộ Quốc phòng chuẩn bị; dự án Luật Phòng thủ dân sự do Bộ Quốc phòng chuẩn bị; Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) do Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị.
Các đại biểu đã nghe dự thảo tờ trình; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; báo cáo thẩm tra, thẩm định, thảo luận sôi nổi về các dự án luật, nghị quyết của Chính phủ, đề nghị xây dựng các luật. Các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan đã thảo luận, làm rõ thêm sự cần thiết xây dựng các luật, nghị quyết; những điểm nghẽn, bất cập cần giải quyết; tính phù hợp, liên thông, đồng bộ giữa các luật...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có ý kiến cụ thể đối với từng dự án luật, đề nghị xây dựng luật, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo các luật, đề nghị xây dựng luật để Chính phủ trình Quốc hội vào thời gian phù hợp, bảo đảm tiến độ, yêu cầu, chất lượng.
Trong đó, với dự thảo Nghị quyết do Bộ Quốc phòng trình về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để xây dựng Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các tuyến đường giao thông kết nối, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tiếp thu ý kiến tại phiên họp, khẩn trương hoàn thiện dự thảo để Chính phủ ban hành ngay trong tuần này.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trước đó, ngày 9/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát hiện trường và chủ trì cuộc họp về các dự án đang triển khai tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Việc sớm ban hành Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để xây dựng Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các tuyến đường giao thông kết nối, sớm giảm tải cho sân bay, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững cho Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.
Kết luận chung về phiên họp, Thủ tướng nêu rõ phiên họp nhằm góp phần triển khai, thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về xây dựng pháp luật.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng hoan nghênh các bộ, cơ quan, nhất là các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị khẩn trương, kỹ lưỡng các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, lấy ý kiến đối tượng tác động, chuyên gia, các cơ quan, đơn vị liên quan, trình Thường trực Chính phủ, Chính phủ, nghiêm túc, cầu thị tiếp thu, giải trình; các ý kiến tại phiên họp chất lượng, trách nhiệm, sôi nổi, bám sát thực tiễn.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chuẩn bị tốt các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật thời gian tới. Cần coi trọng cả việc xây dựng luật mới, cả việc tổng kết, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành, nhất là các quy định về đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các bộ, ngành khẩn trương đề xuất xử lý các vấn đề vướng mắc, khoảng trống pháp lý trong thẩm quyền của Chính phủ và chủ động, khẩn trương ban hành văn bản xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền, đồng thời đề nghị các địa phương tích cực rà soát việc thực hiện các quy định trong thực tiễn.
Thủ tướng lấy ví dụ, dự án hồ chứa nước Bản Mồng tại Nghệ An được bố trí 3.700 tỷ đồng nhưng đã kéo dài 13 năm, việc bàn giao đất quốc phòng để xây dựng Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất… đang gặp phải một số vướng mắc, khoảng trống pháp lý, cần kịp thời tháo gỡ.
Thủ tướng yêu cầu phối hợp tích cực, trách nhiệm với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc chuẩn bị các dự án, dự thảo luật, pháp lệnh chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; bám sát, thực hiện nghiêm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, 2023 đã được Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua và Thủ tướng đã phân công; đẩy nhanh việc soạn thảo, trình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành, khắc phục triệt để tình trạng xin lùi, xin rút.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu ưu tiên, tập trung nguồn lực trong xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi, tăng cường lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng tác động, huy động trí tuệ tập thể, kinh nghiệm chuyên gia, nhà khoa học.
Thủ tướng giao Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ theo dõi sát tiến độ xây dựng văn bản; tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy tiến độ, chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Trong quá trình điều hành thảo luận tại phiên họp, Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, thực hiện nghiêm Nghị định số 39/NĐ-CP về Quy chế làm việc của Chính phủ vừa được ban hành.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các bộ, cơ quan trong trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, quan tâm đầu tư nguồn lực, kinh phí hợp lý cho công tác xây dựng pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác thể chế ở các cơ quan soạn thảo, góp ý, thẩm định, thẩm tra.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng lưu ý việc xây dựng các quy định cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên hết, trước hết, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, chống tham nhũng, tiêu cực; phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Thủ tướng cũng lưu ý trong quản lý nhà nước, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát; phối hợp chặt chẽ, rà soát kỹ để bảo đảm không trùng lắp hoặc bỏ sót nhiệm vụ giữa các cơ quan, tránh khoảng trống pháp lý và tránh những xáo trộn không cần thiết; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, tổ chức thực thi pháp luật đồng bộ, mạnh mẽ hơn, kịp thời, hiệu quả.
PV (Theo VGP)
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển ...
BHXH tỉnh Tiền Giang: Triển khai nhiệm vụ BHXH, BHYT năm ...
Bản tin Audio số 46 - Tuần 2 tháng 1/2025
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?