Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng
20/06/2019 09:56 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm đặc biệt đối với báo chí. Là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công việc viết báo và làm báo. Người am hiểu sâu sâu sắc hoạt động báo chí, coi báo chí là một thứ vũ khí cách mạng sắc bén và đã sử dụng báo chí một cách tài tình để tuyên truyền cách mạng, để vận động nhân dân tham gia sự nghiệp cách mạng.
Bác Hồ nói chuyện với các nhà báo tháng 9/1960 (Nguồn: tuanbaovannghetphcm.vn).
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 6 năm 1925 tờ báo Thanh niên do Hồ Chí Minh sáng lập, ra số đầu tiên đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam. Trải qua 94 năm đồng hành cùng dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết và đăng trên 2000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, gần 300 bài thơ, 500 trang truyện và ký, sử dụng trên 174 bút danh khác nhau. Hồ Chí Minh đã đề cập đến toàn bộ các vấn đề rộng lớn của cách mạng, của đời sống xã hội. Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một di sản tư tưởng đặc biệt có giá trị, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng. Đó là tư tưởng, lý luận và kinh nghiệm thực tiễn rất phong phú, sâu sắc và toàn diện, độc đáo và sáng tạo về những vấn đề cơ bản của báo chí cách mạng. Bao gồm các quan điểm về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tính chất của báo chí cách mạng, về tính đảng, tính chiến đấu, tính nhân văn, về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo, về nghệ thuật để làm nên một tờ báo có giá trị.
Nhận thức sâu sắc về báo chí với sự nghiệp cách mạng tại Đại hội lần thứ II Hội nhà báo Việt Nam tháng 4 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Báo chí của ta không để cho một số người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ. Báo chí cách mạng không có lợi ích gì khác, không có mục đích gì khác là phụng sự lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân và đông đảo quần chúng nhân dân lao động. Do đó, báo chí của ta thì cần phải phục vụ cho nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới.
Về tính tư tưởng và tính chiến đấu của báo chí cách mạng, theo Hồ Chí Minh, tờ báo mà không có tính chiến đấu là tờ báo không có linh hồn. Một tờ báo chỉ nói những điều vô thưởng, vô phạt, những điều ngoài lề cuộc sống, những điều chẳng những không cổ vũ được mà còn làm bải hoải tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng thì tuyệt nhiên không phải là tờ báo cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, báo chí không phải là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể mà còn là vũ khí sắc bén chống lại mọi biểu hiện phản động, tiêu cực, đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, của đất nước; báo chí là công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp. Báo chí cách mạng thể hiện tính chiến đấu ở các khía cạnh: tập trung lên án mạng mẽ kẻ thù, bóc trần cái xấu xa, thâm độc của kẻ thù và thức tỉnh toàn dân tộc đứng lên làm cách mạng, đứng lên kháng chiến kiến quốc. Tính chiến đấu của báo chí cách mạng còn thể hiện ở việc đề cao chính nghĩa cách mạng, đường lối, chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm động viên quần chúng tự giác, tự nguyện tham gia cách mạng, đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Tính chiến đấu của báo chí cách mạng còn thể hiện ở việc tuyên truyền, giác ngộ quần chúng; biểu dương những cái hay, cái tốt; ngăn chặn, đấu tranh và đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực, cái lạc hậu. Tính chiến đấu còn thể hiện lập trường, tư tưởng, bản lĩnh, khí chất của người làm báo. Vì thế, Hồ Chí Minh coi nhà báo là một chiến sỹ trên mặt trận chính trị, tư tưởng. Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (năm 1962), Người chỉ rõ: ‘‘đối với những người viết báo chúng ta, báo chí là một mặt trận, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng’’. Do vậy, cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Người yêu cầu đội ngũ những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng. Cho nên, báo chí của chúng ta phải có đường lối chính trị đúng. Người thường xuyên nhấn mạnh mục đích viết báo phải bảo đảm tính nhân dân, tính phổ thông, tính đại chúng... người làm báo phải học cách nói của quần chúng, chớ nói như giảng sách; luôn dùng lời nói, ví dụ đơn giản, cụ thể, dễ hiểu; khi viết, khi nói phải làm thế nào cho ai cũng hiểu được, làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quan tâm đến lời kêu gọi của mình. Người thường nhắc nhở những người làm báo phải viết ngắn gọn, rõ ràng phù hợp với đông đảo quần chúng lao động, không nên viết dài dòng, lan man khó hiểu. Người căn dặn: ta làm cách mạng, ta nói và viết cho quần chúng nhân dân mà mọi người không hiểu ta nói cái gì, sao có thể gọi là cán bộ cách mạng được.
Việc bảo đảm tính chân thực và tính đa dạng trong báo chí, Người căn dặn người làm báo phải bảo đảm nguyên tắc trung thực. Khi nêu gương người tốt, việc tốt phải viết giản dị và đúng sự thật, không nói sai sự thật, không được bịa ra, không chỉ phản ánh một chiều, chỉ tuyên truyền cái tốt mà dấu diếm cái xấu. Nêu cái hay, cái tốt phải có chừng mực, chớ phóng đại, có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra. Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn, chớ không nên để địch lợi dụng để nó đả kích, tuyên tuyền, Tính đa dạng của báo chí là sự phản ánh cuộc sống một cách toàn diện, sâu sắc, nhiều mặt, không hời hợt, phiến diện. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói ‘‘Cần làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi’’, cho nên báo chí phải đưa ra những thôn tin bổ ích, phản ánh khách quan, chân thực cuộc sống, xã hội. Những tính chất trên có mối quan hệ đan xen, tác động qua lại với nhau tạo nên một nét riêng sâu sắc của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng còn được thể hiện ở đạo đức người làm báo và phong cách viết báo. Hồ Chí Minh tự hào khi nhận ra mình là nhà báo. Người đặt nhà báo ngang với nhà cách mạng chuyên nghiệp. Bởi vì, nhà báo có các phẩm chất của nhà cách mạng và nhà cách mạng chuyên nghiệp đã hòa làm một với nhà báo - chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Do vậy, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh còn thể hiện ở sự cầu thị khiêm nhường. Người yêu cầu các nhà báo phải có lập trường, tư tưởng vững chắc, không ngừng học tập, nâng cao trình độ mọi mặt đặc biệt là trình độ chính trị; đồng thời phải hòa vào đời sống của quần chúng nhân dân để viết cho đúng với tâm trạng, nhu cầu và nguyện vọng của họ. Hồ Chí Minh khuyên các nhà báo: Nếu các bạn viết báo mà quần chúng, nhân dân hiểu, ham đọc, quần chúng nhân dân khen hay, thế là tiến bộ. Ngược lại quần chúng nhân dân chê là các bạn viết chưa thành công.
Về kỹ năng viết báo, Hồ Chí Minh căn dặn các nhà báo, trước khi cầm bút phải đặt câu hỏi: ‘‘Vì ai mà mình viết? Mục đích viết để làm gì? Viết cho ai? Viết cho đại đa số Công - Nông - Binh. Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng, thế thì viết cái gì trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng, ta, bạn, thù thì mới viết đúng. Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta. Đồng thời phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Về vấn đề này, ta có thể thấy rõ sự biến hóa và uyển chuyển của Hồ Chí Minh trước từng đối tượng, trong từng tình huống.
Về hình thức diễn đạt, phương pháp thể hiện, cách trình bầy, kết cấu tác phẩm báo chí phải trong sáng, dễ hiểu và tránh cầu kỳ. Hồ Chí Minh căn dặn "Muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được, thì phải viết cho đúng trình độ người xem; viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều’’. Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt, nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi, mà phải có đầu, có đuôi. Phải học tiếng nói của quần chúng, viết phải thiết thực. Hồ Chí Minh dạy các nhà báo cách viết rất cụ thể, tỉ mỉ, thiết thực. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Viết nên cẩn trọng, phải kiên trì và công phu ‘‘Viết xong rồi phải thế nào’’, ‘Viết rồi thì phải đọc đi, đọc lại, thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa thì bỏ bớt đi, đọc đi, đọc lại 4,5 lần đã đủ chưa? Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại. Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh đọc lại. Chỗ nào ngúc ngắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải chữa lại’’. Hồ Chí Minh còn lưu ý chúng ta chớ có tự ái cá nhân, cho rằng bài viết của mình là ‘‘tuyệt’’ rồi, tự ái, tự kiêu nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta. Không chỉ với người viết báo Hồ Chí Minh còn nhắc nhở những người tham gia làm báo, ở các khâu, các bước đều phải có trách nhiệm với công việc của mình.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, hiện nay cả nước ta đã có trên 800 cơ quan báo chí. Bắt đầu từ năm 1997, báo điện tử chính thức hòa mạng internet. Hơn 20 năm qua, báo điện tử đã phát triển mạnh mẽ, trở thành công cụ có hiệu quả trong việc thông tin tuyên truyền các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước tới nhân dân trong nước và quốc tế. Những con số này nói lên sự lớn mạnh của báo chí cách mạng sau 94 năm kể từ khi báo Thanh niên tời báo cách mạng đầu tiên ra đời. Báo chí không chỉ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân mà còn phản ánh kịp thời, phân tích, đánh giá đúng mức, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và định hướng dư luận xã hội về các sự kiện, các vấn đề thời sự trong nước và trên thế giới. Báo chí còn có trách nhiệm phản ánh các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, các mô hình tốt đạt hiệu quả trong việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; kịp thời đưa ra ánh sáng những vụ việc tham nhũng, lãng phí; đấu tranh không khoan nhượng với những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, những âm mưu, thủ đoạn và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch... Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng luôn là cẩm nang thần kỳ cho đội ngũ những người làm báo, những người lính trên mặt trận tư tưởng, văn hóa trực tiếp tham gia thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tiến trình hội nhập, quốc tế.
Tác giả: Vương Đức Thương - Tăng Văn Lại
Báo ĐT Đảng Cộng sản Việt Nam đăng ngày 20/6/2019
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý ...
(Video) BHXH Việt Nam chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực ...
Quy định mới trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?