Đại biểu Quốc hội nhất trí cao về việc sử dụng hộ chiếu điện tử
12/06/2019 05:06 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng 12/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội thống nhất cao với quy định triển khai hộ chiếu gắn chíp điện tử để tránh tình trạng làm giả hộ chiếu và để phù hợp với xu thế trên thế giới.
Quang cảnh phiên họp sáng 12/6.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh
Tờ trình của Chính phủ cho biết, qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cho thấy, các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của Chính phủ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, tạo điều kiện cho công dân ra nước ngoài công tác, học tập, lao động, du lịch, khám chữa bệnh, thăm thân... Tuy nhiên, để phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là áp dụng sự tiến bộ của khoa học, công nghệ trong việc cấp giấy tờ, kiểm soát xuất nhập cảnh công dân ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước và để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Quan điểm xây dựng luật nhằm: Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nhưng vẫn đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc cấp, quản lý, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh; kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp, bổ sung những quy định mới để phù hợp với sự phát triển của đất nước và thế giới.
Thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh: Việc ban hành Luật này nhằm quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và các trường hợp hạn chế quyền công dân trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ trong quản lý xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh đối với công dân Việt Nam thời gian qua.
Thảo luận toàn thể tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự tán thành cao với sự cần thiết ban hành Luật để đảm bảo cụ thể hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền đi lại của công dân; công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện trong cấp, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh; tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành; nâng cao giá trị pháp lý đối với hoạt động quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia.
Nhiều đại biểu cho rằng, đây là vấn đề phù hợp với sự phát triển chung của thế giới với hơn 120 quốc gia đã phát hành hộ chiếu điện tử. Chíp điện tử, ngoài việc lưu trữ thông tin cá nhân, còn lưu trữ thông tin sinh trắc học (nhận dạng khuôn mặt, dấu vân tay, mống mắt), làm tăng tính xác thực của hộ chiếu, chống nguy cơ làm giả.
Phù hợp với xu thế chung của thế giới
Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho rằng, một trong những điểm mới của Dự thảo luật là hộ chiếu có gắn chip điện tử và kiểm soát nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động, đây là vấn đề mới của Việt Nam nhưng phù hợp với sự phát triển chung của thế giới. Hiện nay, có trên 120 quốc gia sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử tại khu vực Đông Nam Á, còn Việt Nam và Mianma chưa sản xuất và sử dụng hộ chiếu điện tử. Đây là xu thế toàn cầu được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế khuyến khích sử dụng hộ chiếu điện tử. Do đó, trong dự thảo luật quy định về hộ chiếu điện tử và kiểm soát xuất, nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động là rất cần thiết, tạo hành lang pháp lý cho sản xuất phát hành loại hộ chiếu này, góp phần nâng tầm giá trị cuốn hộ chiếu Việt Nam và áp dụng công nghệ tiên tiến trong kiểm soát xuất, nhập cảnh.
Theo đại biểu Hà Thị Lan, mục đích phát hành hộ chiếu điện tử nhằm tăng tính xác thực hộ chiếu, chống nguy cơ làm giả, việc phát hành hộ chiếu điện tử là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm tăng cường và bảo đảm an ninh, an toàn. Mặt khác, chip điện tử trong hộ chiếu tích hợp đầy đủ các dữ liệu về nhân thân và đặc điểm sinh trắc học của người sử dụng lên hộ chiếu điện tử, có thể thay thế giấy tờ tùy thân. Và việc sử dụng hộ chiếu điện tử cũng giúp cho công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu nhanh hơn, chính xác hơn khi áp dụng việc kiểm soát bằng hệ thống kiểm soát tự động. Việc kiểm soát xuất, nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục, giảm thời gian xếp hàng làm thủ tục, tránh tình trạng ùn ứ tại các bục kiểm soát, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng hiện nay.
Đại biểu Hà Thị Lan đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo tập trung đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất và phát hành hộ chiếu để nâng cao chất lượng, độ bền đẹp và tính bảo an của hộ chiếu. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án phát hành hộ chiếu điện tử.
Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) phát biểu tại Hội trường sáng 12/6. Ảnh: TTXVN
Đồng quan điểm, Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) bổ sung, hộ chiếu có gắn chíp điện tử hay còn gọi là hộ chiếu sinh trắc học, hộ chiếu kỹ thuật số. Hộ chiếu này ngoài lưu trữ thông tin cá nhân như họ tên, quốc tịch, ngày, tháng, năm sinh, giới tính… còn lưu trữ thông tin sinh trắc học để xác nhận danh tính của người sử dụng hộ chiếu, ví dụ nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng dấu vân tay... Toàn bộ dữ liệu thông tin cá nhân, dữ liệu sinh trắc của người sử dụng hộ chiếu được lưu trữ trong thẻ sẽ được mã hóa, ký số để bảo đảm tính an toàn xác thực và bảo mật theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng. Điều này rất phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, dự thảo Luật cần bổ sung khái niệm về hộ chiếu có gắn chip điện tử tại Điều 2, để thống nhất trong cách hiểu và áp dụng.
Đồng tình với quan điểm sử dụng hộ chiếu điện tử, đại biểu Bùi Mậu Quân cho rằng, để có cuốn hộ chiếu đẹp xứng tầm là tài sản quốc gia, đảm bảo ngang tầm các nước trong khu vực, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để có hành lang pháp lý để ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được ban hành sẽ cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác quản lý xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam trong những năm qua.
Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, Ủy ban thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan để nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh dự án luật gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy định./.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bản tin Audio số 39 - Tuần 4 tháng 11/2024
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?