Đảm bảo chế độ, chính sách cho lực lượng dự bị động viên
11/06/2019 05:05 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 11/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ VII, dưới dự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.
Tán thành sự cần thiết ban hành Luật
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều tán thành sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên để thi hành Hiến pháp năm 2013, các nghị quyết, chỉ thị quan trọng của Đảng và Nhà nước về công tác quân sự quốc phòng, đồng thời tiếp tục tạo cơ sở, nền tảng pháp lý chặt chẽ cho công tác xây dựng quản lý lực lượng dự bị động viên; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng này và thống nhất với các quy định mới được ban hành và sửa đổi trong hệ thống pháp luật.
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận. Ảnh quochoi.vn
Các đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát bổ sung, hoàn thiện nhằm giải quyết hài hòa hợp lý giữa chủ trương xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu với tinh gọn trong tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả, tránh dàn trải nguồn lực. Việc xây dựng lực lượng dự bị động viên phải bám sát tình hình đặc thù trong công tác xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay nhất là trong bối cảnh xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu trong điều kiện phát triển khoa học kỹ thuật.
Các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát chỉnh lý các quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên trong đó đặc biệt chú ý các quy định về đăng ký, huấn luyện, huy động lực lượng dự bị động viên. Việc đăng ký quản lý phương tiện kỹ thuật, các quy định về thẩm quyền huy động lực lượng dự bị động viên trong các trường hợp theo quy định của luật để đảm bảo chặt chẽ, khả thi, đúng nguyên tắc của Hiến pháp, Luật Quốc phòng và các luật có liên quan. Làm rõ thêm các quy định về chế độ chính sách để đảm bảo chặt chẽ, khả thi, tránh mâu thuẫn với các luật khác. Đồng thời đảm bảo tương quan giứa các lực lượng, phù hợp với chủ trương cải cách tiền lương của Đảng và Nhà nước. Một số ý kiến góp ý cụ thể vào tên gọi, từ ngữ, kỹ thuật, bố cục các chương, điều của dự thảo luật.
Quan tâm giải quyết chế độ, chính sách với Lực lượng dự bị động viên
Một số đại biểu cũng quan tâm đến việc chế độ, chính sách cho lực lượng này. Về điểm b khoản 4 Điều 33: "Quân nhân dự bị chưa tham gia BHXH, BHYT, BH tai nạn lao động mà bị ốm đau, tai nạn được xác định là tai nạn lao động hoặc bị chết thì được nhà nước bảo đảm”, đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) đề nghị, Ban soạn thảo quy định cụ thể hơn nữa nội dung được nhà nước bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan nhà nước có liên quan trong việc giải quyết chế độ đối với đối tượng này, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện luật.
Đại biểu Bùi Quốc Phòng cũng tán thành với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23: "Quân nhân dự bị đã xếp trong lực lượng dự bị động viên có nghĩa vụ chấp hành việc kiểm tra sức khỏe". Lý giải điều này, đại biểu Bùi Quốc Phòng cho biết, quy định như vậy là phù hợp vì điểm 2 Điều 13 Thông tư liên tịch số 16 năm 2016 của liên bộ Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế quy định: "Quân nhân dự bị được kiểm tra sức khỏe trước mỗi đợt tập trung huấn luyện theo kế hoạch". Tuy thời gian huấn luyện của lực lượng dự bị động viên không kéo dài nhưng do cán bộ chiến sỹ có độ tuổi và môi trường công tác khác nhau nên sức khỏe khác nhau, nhiều người có thể đã phát sinh bệnh tật trong khi cường độ huấn luyện và sử dụng trang thiết bị của các đơn vị binh chủng như xe tăng, thiết giáp, pháo binh, đặc công đòi hỏi cao. Vì vậy quy định quân nhân dự bị có nghĩa vụ kiểm tra sức khỏe là cần thiết.
Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) phát biểu tại hội trường.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) đề nghị bổ sung vào Điều 34 về chế độ trợ cấp đối với gia đình quân nhân dự bị trong thời gian quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, kiểm tra, sẵn sàng chiến đấu. “Ở đây, trong điều luật cũng muốn nêu lên là lúc cần thiết ở một địa phương nào đó phải yêu cầu lực lượng quân đội trong đó có lực lượng dự bị động viên, không chỉ một ngày, một tuần hoặc có thể dài hơn. Do vậy, tôi đề nghị trong Điều 34 cần bổ sung thêm chế độ này đưa vào điều luật làm cơ sở để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của quân nhân dự bị khi làm nhiệm vụ” – Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cũng đề cập, lực lượng dự bị động viên đều đã dành nhiều thời gian cống hiến, phục vụ trong quân đội, hoàn thành nghĩa vụ quân sự theo quy định và hiện là đối tượng lao động chính trong gia đình, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất, đảm bảo hài hoà giữa quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. “Công dân cần có việc làm ổn định, được đảm bảo cuộc sống và cần được đảm bảo điều kiện thuận lợi để thực hiện một cách đầy đủ và tự nguyện nghĩa vụ của mình đối với quốc gia. Do đó, để đảm bảo thực hiện nguyên tắc này, tôi đề nghị cần phân chia đối tượng để thực hiện việc đăng ký, quản lý, sắp xếp và huy động cho phù hợp”.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị, người được sắp xếp vào lực lượng dự bị động viên thì được quyền biết và nhận thông tin về việc sắp xếp này để thực hiện nghĩa vụ của mình, có trách nhiệm đăng ký tạm trú, tạm vắng khi có thay đổi về chỗ ở. Khi cần huy động, ưu tiên huy động lực lượng được sắp xếp tại chỗ và đang hiện diện, không nhất thiết phải yêu cầu đối tượng quay trở về địa phương theo lệnh huy động trừ trường hợp có tình huống đặc biệt. “Điều này, phù hợp với thực trạng chuyển dịch lao động lớn hiện nay và tạo thuận lợi cho công dân trong thời bình phù hợp với đặc thù của lực lượng dự bị động viên là quân trong dân, không thoát ly sản xuất, đồng thời huy động phải đảm bảo đúng chế độ, không nên chỉ bù đắp một phần như trong dự thảo luật”.
Làm rõ nội dung về chế độ chính sách trong thực hiện luật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định, bảo đảm chế độ chính sách cho quân nhân dự bị và chủ phương tiện được huy động là nội dung quan trọng trong xây dựng huy động lực luợng dự bị đông viên. Quân nhân dự bị được biên chế về các đơn vị dự bị động viên, được xây dựng huấn luyện, diễn tập và kiểm tra sẵn sàng chiến đấu từ thời bình để bổ sung cho quân đội khi cần thiết. Việc quy định chế độ, chính sách cho xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên tương xứng, phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng này là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, quy định bổ sung chế độ, chính sách nhất là điều chỉnh phụ cấp của quân nhân dự bị theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, bù đắp sức khỏe cho quân nhân dự bị, bảo đảm thu nhập cho lao động lực lượng dự bị động viên là cần thiết, chế độ chính sách cụ thể cho lực lượng dự bị động viên đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, đã có 14 đại biểu đăng ký và phát biểu, có 4 đại biểu phát biểu tranh luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban soạn thảo đã phát biểu giải trình và làm rõ một số nội dung mà đại biểu quan tâm.
Về các ý kiến về chế độ, chính sách đối với lực lượng dự bị động viên, cần làm rõ thêm các quy định về chế độ chính sách để đảm bảo chặt chẽ, khả thi, tránh mâu thuẫn với các luật khác, đồng thời đảm bảo tương quan giữa các lực lượng, phù hợp với chủ trương cải cách tiền lương của Đảng và Nhà nước./.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý ...
(Video) BHXH Việt Nam chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực ...
Quy định mới trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?