Tập trung nguồn lực, tạo sự chuyển biến hơn nữa về công tác cải cách thủ tục hành chính
15/05/2019 02:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Là yêu cầu của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại Hội nghị giao ban trực tuyến với 24 bộ, ngành, 63 địa phương về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC chiều 14/5/2019.
Toàn cảnh Hội nghị. (Nguồn ảnh VGP)
Theo Báo cáo tình hình triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông những tháng đầu năm 2019, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc thực hiện với quyết tâm nâng cao hiệu quả cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Cụ thể: Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 700 quyết định công bố 13.386 thủ tục hành chính được quy định tại 132 văn bản quy phạm pháp luật để cập nhật, niêm yết tại nơi giải quyết và đăng tải công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; tiếp nhận 1.049 phản ánh, kiến nghị, trong đó đã xử lý 934 phản ánh, kiến nghị. Đối với việc tổ chức, kiện toàn bộ phận một cửa, đến nay, 100% văn phòng bộ, địa phương đã tiếp nhận nhiệm vụ tổ chức, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Ở cấp tỉnh, đã có 53/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Đa số các địa phương đã nâng cấp Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh.
Đối với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đến hết quý I/2019, các địa phương đã thực hiện cung cấp 42.127 dịch vụ; các bộ, ngành thực hiện 1.709 dịch vụ.
Tính đến cuối tháng 4/2019, đã có 19/23 bộ, cơ quan, 54/63 địa phương ban hành Kế hoạch thực hiện nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021; cắt giảm được 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 110,6% so với mục tiêu); cắt giảm 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành khi thực hiện xuất nhập khẩu, giúp tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương 6.300 tỷ đồng/năm.
Làn sóng khởi nghiệp được hình thành đã huy động được nguồn vốn cho nền kinh tế. Năm 2016, Việt Nam có 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới, năm 2017 có 127.000 doanh nghiệp và năm 2018 có hơn 131.000 doanh nghiệp được thành lập. Tính chung cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm thì năm 2018 ước tính các doanh nghiệp đã bổ sung cho nền kinh tế 3,9 triệu tỷ đồng.
Theo Báo cáo về môi trường kinh doanh 2019 của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới công bố, năm 2018 chỉ số môi trường kinh doanh đã tăng 13 bậc, xếp thứ 69/190 nền kinh tế. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard&Poors vừa công bố nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam từ mức BB- lên mức BB với triển vọng ổn định, đồng thời, khẳng định xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cho Việt Nam ở mức B.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn ảnh: VGP)
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, những kết quả đã đạt được trên chưa đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, năm 2019 cần đặt ra yêu cầu nhiệm vụ cần phải cải cách mạnh mẽ và thực chất hơn nữa về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm điều kiện kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện không cần thiết, các thủ tục gây rào cản cho doanh nghiệp…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh vai trò quan trọng của người đứng đầu và đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực, chỉ đạo triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến hơn nữa về công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và gửi nhận văn bản điện tử.
Thực hiện chương trình cải cách TTHC của Chính phủ, năm 2018, công tác cải cách thủ tục hành chính của ngành BHXH tiếp tục đạt được dấu ấn quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi, đem lại sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan BHXH và được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đánh giá “thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức chuyên ngành trong, ngoài nước đánh giá cao, trở thành một điểm sáng trong triển khai thực hiện các Nghị quyết số 19 của Chính phủ”; tại Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam năm 2018, BHXH Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2 trong Bảng xếp hạng chung khối các bộ, ngành có dịch vụ công.
Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, quản lý tập trung cơ sở dữ liệu hộ gia đình làm cơ sở để cấp số định danh cho người tham gia; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 (đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến). Chính thức đưa vào sử dụng Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành tại cơ quan BHXH 3 cấp trung ương, tỉnh, huyện./.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bản tin Audio số 39 - Tuần 4 tháng 11/2024
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý ...
(Video) BHXH Việt Nam chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?