Hội nhập quốc tế vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững

23/04/2019 09:59 PM


Sáng 23/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả, vì phát triển nhanh và bền vững.

Tham dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, đoàn thể, tổ chức quốc tế…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Nhiều kết quả nổi bật

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là hội nghị đặc biệt quan trọng trong bối cảnh quốc tế, trong nước đang có nhiều biến động, nhất là tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, “đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu kỹ, trao đổi, thảo luận thẳng thắn, cụ thể để tìm ra những hướng đi, phương pháp, cách làm mới hiệu quả hơn, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt cũng như trong trung và dài hạn”.

Hội nhập quốc tế là một chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước và được cụ thể hóa phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước. Hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng vào thành tựu to lớn của hơn 30 năm Đổi mới và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Chính phủ đã cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế bằng nhiều nghị quyết, nhiều chỉ thị, quyết định và các văn bản có liên quan, đồng thời chỉ đạo quyết liệt, tổ chức triển khai mạnh mẽ, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia thời gian qua.

Theo Thủ tướng, hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng trong các thành tựu to lớn về phát triển kinh tế xã hội trong 5 năm qua. Lớn nhất là chúng ta đã giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị xã hội, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, thu hút thêm nguồn lực bên ngoài cùng với nội lực trong nước tạo nên động lực phát triển quốc gia mạnh mẽ đạt nhiều thành tựu to lớn.

Việt Nam đã ký kết, kết thúc đàm phán nhiều Hiệp định FTA (với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á-Âu, CPTPP, EVFTA...), mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho nền kinh tế đang lớn mạnh trong thời gian tới. Đồng thời, đã mở rộng quan hệ, nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều quốc gia, tổ chức thành công các sự kiện tầm khu vực, toàn cầu như APEC 2017, WEF-ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 (2/2019)… là những minh chứng cho đường lối Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế quốc gia, thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đề nghị, cần nhận thức rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục để “tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững” như chủ đề của Hội nghị, được tổ chức đúng 5 năm thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia và 5 năm thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Chính phủ.

3 phương châm, 6 nhiệm vụ, giải pháp

Định hướng giải pháp, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị thực hiện 3 phương châm là: Nâng tầm, toàn diện và sâu rộng, đổi mới sáng tạo và hiệu quả.

Trước hết, chúng ta phải tiếp tục nâng tầm nhận thức, tư duy về hội nhập theo tinh thần chủ động đóng góp, tích cực tham gia xây dựng, định hình các cơ chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế. Qua đó nâng cao vị thế quốc tế, vai trò quan trọng của Việt Nam.

Chúng ta phải hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng để phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và khả năng thích ứng của đất nước.

Trong bối cảnh hiện nay, các cấp, các ngành phải tập trung đổi mới sáng tạo và hiệu quả, coi DN và người dân là chủ thể của hội nhập quốc tế, hình thành thực sự văn hóa hội nhập.

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm.

Thứ nhất, hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và chỉ có thể thành công khi có sự tham gia tích cực, sáng tạo, hiệu quả của các DN và người dân. Một mặt phải hội nhập theo quy mô và tốc độ phù hợp năng lực và lợi ích của đất nước; mặt khác, không thể chờ đợi, để nhìn các thời cơ lần lượt trôi qua.

Thứ hai, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành cần quyết liệt vào cuộc, quyết tâm đổi mới, nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh hội nhập trên tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về và các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch công tác hội nhập của Chính phủ.

Thứ ba, về hội nhập về kinh tế, phải làm cho nội lực mạnh lên là nhiệm vụ trọng tâm. Hội nhập trong các lĩnh vực khác phải hỗ trợ cho hội nhập kinh tế.

Thứ tư, về hội nhập trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, chúng ta cần tiếp tục chủ động làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương và đa phương, phát huy mạnh mẽ, vai trò của đối ngoại đa phương, phát huy các điểm “đồng” để tăng cường lòng tin và đan xen lợi ích.

Thứ năm, về hội nhập trong lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, cần luôn nhận thức sâu sắc rằng công nghệ và nhân tài sẽ quvết định thành công trong cạnh tranh thế kỷ 21. Do đó, chúng ta cần chú trọng việc chủ động học hỏi và nâng cao nội lực phù hợp với những thông lệ, chuẩn mực chung.

Thứ sáu, Thủ tướng nhấn mạnh điểm rất quan trọng là tạo mọi điều kiện thuận lợi, phát huy hơn nữa vai trò của địa phương, của DN trong công tác hội nhập quốc tế. “Dư địa” phát triển lớn nhất nằm ở ngay trong sự nỗ lực không ngừng, sức sáng tạo vô hạn của mỗi DN, của mỗi người dân. Địa phương, DN là chủ thể trung tâm của hội nhập, phải được thụ hưởng thành quả của hội nhập.

Các trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương có vai trò rất hữu ích không chỉ cung cấp thông tin mà còn là kênh hữu ích để tiếp nhận, trao đổi ý kiến, thông tin giữa Chính phủ, các bộ, cơ quan và địa phương, DN, người dân. Các tờ báo của Trung ương và địa phương, cả báo hình, báo nói, báo in, báo điện tử dành thời lượng cần thiết để giới thiệu cho người dân và DN về hội nhập quốc tế./.

PV